Giáo lý Tín lý - Bài 20: Tôi tin phép tha tội

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 676 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

(tiếp theo bài 19)


Nhận định


Chữ  “Phép tha tội” làm cho ta nghĩ ngay tới Bí Tích Giải Tội như ngày nay. Nhưng Kinh Tin Kính đọc trong Thánh Lễ: “Tôi tin có một Phép Rửa để tha tội” cho ta thấy rõ hơn! Đàng khác, nếu gọi Kinh Tin Kính các Tông Đồ là vì phản ảnh lời giảng dạy của các Tông Đồ, thì đọc Tông Đồ Công Vụ, ta thấy: tín điều này còn phải hiểu rộng hơn nữa!


Vì thế, có thể dịch tín điều trên là: “Tôi tin có sự tha tội” (dịch sát La ngữ) hoặc “Tôi tin có ơn tha tội” cũng như “tôi tin có Hội Thánh… có sự thông công giữa các tín hữu” (các thánh).


1. Các tông đồ giảng ơn tha tội trong Chúa Kitô


Sau khi loan báo Tin Mừng Phục Sinh, các Tông Đồ luôn kết bài giảng bằng việc kêu gọi: “Sám hối, trở lại, lãnh phép Rửa để được ơn tha tội” (Cv 2,38), hoặc “Sám hối trở lại để được xóa tội” (Cv 3,19) hoặc “tin vào Đức Kitô để được cứu” (Cv 4,12), “được ơn tha tội” (Cv 10,43; Mc 16,16).


Quả thật, danh xưng “Giêsu” tước hiệu “Cứu Thế” (Giêsu=Thiên Chúa cứu) (Mt 1,21; 1,31.77 ; Ga 4,42) của Đức Kitô đủ nói lên sứ mạng căn bản của Ngài liên quan với “Ơn Tha Tội” thế nào? Ngài thí mạng sống làm của lễ đền tội (Mt 20,28), đổ máu ra để có ơn tha tội (Mt 26,28). Chính Chúa đã tha tội (Lc 7,48-50; Ga 8,11; Lc 23,43) đặc biệt để ý và thương xót người có tội (Mt 9,13; 21,31; Lc 15,7), ăn uống với họ (Mt 9,11; 11,19), bênh vực họ nữa (Lc 7,44-47; 15,32). Trước khi về Trời, Chúa còn ban cho Giáo Hội quyền tha tội để tiếp tục ban phát Ơn Tha Tội (Ga 20, 23).


Giáo lý Tín lý - Bài 20: Tôi tin phép tha tội


2. Tha tội là tha gì?


Muốn hiểu “Ơn tha tội”, ta phải biết tội là gì?


Ở đây, chúng ta không có ý nói về cả cái quá trình của ý niệm về tội lỗi, ý niệm đã là một yếu tố căn bản của Mạc Khải trong Thánh Kinh; chúng ta cũng không có ý tìm hiểu tội theo ý niệm siêu hình.


Nhưng chỉ ôn lại ít nhiều kiểu diễn tả của Tân Ước để giúp ta có ý niệm xác đáng về tội. Ơn tha tội, chính là ngược lại ý niệm tội.

  • Tội là một món nợ phải trả (Mt 28,23-35; Lc 7,41-50) Tha tội là tha nợ (Mt 6,12)
  • Tội là mỗi lần sa ngã (Mt 5,29-30)
  • Tội là một vết nhơ (Mt 23,26-28; Kh 7,14)
  • Tội làm mất sự sống, hạnh phúc (Mt 7,13); làm cho con người phải chết (Rm 5,12), bệnh hoạn đưa tới chết, là hình ảnh sự chết (Lc 5,23). Tha tội, cứu khỏi tội, là mang sự sống tới (Ga 10,10b)
  • Tội làm sa hỏa ngục (Mt 10,28)
  • Tội là bỏ nhà Cha (Lc 15)
  • Tội là rơi vào vòng nô lệ (Ga 8,34)
  • Tội làm trở nên con cái ma quỉ (Ga 8,41.44)
  • Tội là không nhìn nhận Chúa Giêsu (Ga 8,24;9,39-40)
  • Tội là làm ngược Chúa Thánh Thần (Ga 16,8-9)
  • Sau hết, tội đã thống trị tất cả mọi người (Rm 3,9-20; Gl 3,22)

NB: chúng ta nên ghi nhận đặc biệt: “Tội là không nhìn nhận Chúa Giêsu”. Đây là điểm đặc sắc của Tân Ước và của Phúc Âm thứ tư cách riêng (Ga 1,1-18).


“Tôi tin có Ơn Tha tội”, chính là lời tuyên xưng niềm tin vào sự hiệu nghiệm của công ơn Cứu Chuộc của Đức Kitô, niềm tin tưởng và chờ đợi tất cả những gì Thiên Chúa sẽ ban cho chúng ta, mà tội đã là một cản trở không cho ta lãnh nhận!


Nhưng “tôi tin có ơn tha tội” đặc biệt trong hiện tại! Nghĩa là ơn tha tội được ban phát do Giáo Hội của Chúa, đặc biệt qua các Bí Tích Rửa Tội, Giải Tội và Xức Dầu (khi khẩn cấp).

 

Đề tài trao đổi


1. Bạn hãy giải thích câu “Trong Chúa Kitô chúng ta có ơn tha tội”.

2. Ơn tha tội hiện nay được ban phát trong Giáo Hội thế nào?

 

 

Lm. Antôn Trần Văn Trường

Nguồn: giaolyductin.com

 

(còn tiếp)