Lòng tin của Đức Maria: ân huệ tuyệt đỉnh và vĩnh cửu của Chúa Thánh Thần (1)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 674 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

Agnes Cunningham [1]


Qua Chúa Thánh Thần, mầu nhiệm về lòng tin của Đức Maria vừa được ẩn giấu, lại vừa được mạc khải ra trong Kinh Thánh và Truyền thống sống động, và được trung thực lưu truyền kể từ thời các tông đồ cho đến nay.[2] Mầu nhiệm ấy ẩn kín trong những gì Lời mạc khải của Thiên Chúa đã không vén tỏ cho biết về Đức Trinh nữ Maria. Nó lộ hiện rõ ràng qua những gì có thể đọc thấy nơi các văn đoạn kinh thánh nhắc đến ngài.[3] Trong Thánh Truyền – qua đường lề lối giải thích xác thực và đáng tin cậy của Giáo hội về Lời đã được viết ra của Thiên Chúa, Lời đề cập, trực tiếp hay gián tiếp, đến Đức Maria;[4] trong các điểm giáo huấn và tín điều mà Huấn quyền công bố; và qua việc cử hành sinh hoạt phụng vụ, là “yếu tố cấu thành của Truyền thống thánh thiện và sống động”[5] – mầu nhiệm ấy cũng đã được nêu rõ sáng tỏ. Nhưng cùng lúc, mầu nhiệm về lòng tin của Đức Maria cũng vẫn còn tiềm nặc trong những vấn đề chưa được giải đáp đầy đủ, dù có quan liên đến chân lý nòng cốt và nền tảng của đức tin kitô, những vấn đề mà trí óc con người hằng không ngừng thắc mắc nêu lên nhằm vào: cuộc Phục sinh của Đức Giêsu Kitô,[6] cùng với hết thảy các mầu nhiệm khác nữa trong cuộc đời của Ngôi Lời Thiên Chúa Nhập thể. Cả những gì được phát biểu ra lẫn những gì còn nằm trong vòng thinh lặng, đều hé lộ cho thấy mầu nhiệm về lòng tin của Đức Maria và đưa đến chỗ nhìn nhận tính cách ưu việt của sự hiện diện liên lỉ cùng với hoạt động không ngừng của Chúa Thánh Thần nơi con người và trong cuộc đời Đức Maria. Qua cuộc ngẫm suy về những ân huệ tuyệt đỉnh và cao trọng mà Thần Khí đặc biệt ban tặng cho Đức Maria, tín hữu sẽ có thể khởi sự nắm bắt được một cách trọn vẹn hơn, mầu nhiệm về lòng tin của Đức Maria và ý nghĩa của mầu nhiệm ấy đối với Giáo hội và thế giới.


Bài viết này sẽ trình xuất một số điểm suy tư, bao gồm: 1) mầu nhiệm về lòng tin của Đức Maria; 2) quá trình diễn tiến của mầu nhiệm ấy kể từ cuộc Truyền tin cho đến biến cố Canvariô;[7] và 3) ý nghĩa của mầu nhiệm này đối với giai đoạn thứ hai trong cuộc chuẩn bị tiến vào Thiên kỷ thứ Ba, một thời gian – một năm – “được đặc biệt dành riêng để hướng lòng về với Chúa Thánh Thần, và với sự hiện diện tác thánh của Người ở giữa lòng cộng đoàn các môn đồ Đức Kitô.”[8]

 

I. MẦU NHIỆM LÒNG TIN CỦA ĐỨC MARIA


Các thế hệ tín hữu đã coi đoạn Tin Mừng trình thuật về biến cố Truyền tin như là văn đoạn phát biểu rõ ràng nhất về lòng tin của Đức Maria.[9] Với lòng tin được củng cố và gia cường nhờ việc noi theo gương mẫu của Đức Maria, không biết bao nhiêu con người nam và nữ đã được thôi thúc để thốt lên hai tiếng “Xin vâng!” của riêng mình trước kế hoạch của Thiên Chúa! Tuy nhiên, dù có nhận rằng cuộc “Truyền tin cho Đức Maria là biến cố đánh dấu việc mở màn của ‘thời viên mãn,’”[10] thì cũng không phải qua chính biến cố này tín hữu mới có thể thấy rõ tỏ tường toàn bộ tiến trình về lòng tin của Đức Maria. Trước khi tiến vào ‘tháng thứ sáu’ trọng đại ấy, Đức Maria đã sống qua thời thơ ấu và niên thiếu của mình như là “thiếu nữ Xion tuyệt vời.”[11] Sứ thần đã chào mừng Đức Maria như là đấng đầy ân sủng, phản chiếu “ánh huy hoàng của sự thánh thiện hoàn toàn độc nhất vô nhị”[12] đã được trao ban cho ngài kể từ khoảnh khắc ngài bắt đầu hiện hữu trong lòng mẹ mình.


Tín điều về Đức Maria Vô nhiễm Nguyên tội đã được minh định hết sức minh bạch và cô đọng trong lời công bố như sau của Đức Giáo hoàng Piô IX:

Nhờ vào ân phúc đặc biệt của Thiên Chúa toàn năng, cũng như nhờ vào công nghiệp của Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ nhân loại, mà ngay từ lúc mới tượng thai, Đức Nữ Rất thánh Đồng trinh Maria đã được gìn giữ cho khỏi vướng nhiễm mọi vết nhơ của tội nguyên tổ.[13]

 

Như thấy trong lịch sử, việc tập trung nhấn mạnh đến tình trạng Đức Maria được gìn giữ cho khỏi vướng nguyên tội, đã có xu hướng làm cho thiếu lưu tâm đến tình trạng thánh thiện hoàn toàn độc nhất vô nhị – mà Đức Maria đã nhận được do ân sủng Thiên Chúa – cùng với những ý nghĩa tích cực tình trạng ấy gợi lên. Bức Tông thư minh định tín điều Đức Maria Vô nhiễm Nguyên tội đã không quên nhắc đến khía cạnh ấy của mầu nhiệm này. Trong tình trạng được gìn giữ cho khỏi tội nguyên tổ, Đức Maria đã được phú ban ân sủng của Chúa Thánh Thần. Ngài được tuyên tôn là [đấng]:


tinh tuyền, và tinh tuyền về mọi mặt; trinh trắng và trinh trắng tuyệt bực; vô tì vết, và hoàn toàn vô tì vết; thánh thiện và sạch hẳn mọi vết nhơ tội lỗi; hoàn toàn trinh khiết, hoàn toàn thanh sạch, gương mẫu tuyệt bực về tình trạng trinh khiết và thanh sạch; xinh đẹp hơn cả cái đẹp, đáng yêu hơn cả cái đáng yêu, thánh thiện hơn cả sự thánh thiện, đặc biệt thánh thiện và tuyệt bực tinh tuyền trong linh hồn và thân xác; đấng trỗi vượt trên hết những gì là nguyên tuyền và đồng trinh; đấng duy nhất đã trở nên chốn cư ngụ của hết thảy mọi ân sủng xuất phát từ Thánh Thần Tối cao.[14]

 

Đức Maria được nhận là “niềm hãnh diện duy nhất của con người mang bản tính ô uế chúng ta.”[15] Về ngài, có người đã mô tả như sau: “Để có được một ý niệm toàn diện về ngài, thì không thể nào kết hợp làm một, hết thảy những gì cần quy gán [cho ngài] cùng với tất cả những gì cần phải loại bỏ [khỏi ngài].”[16]

 

Trong một đoạn viết, với một lối biểu đạt hết sức dễ hiểu, Đức Hồng y Pierre de Bérulle đã giúp làm sáng tỏ tầm trọng yếu có sức ảnh hưởng đến toàn bộ mầu nhiệm Đức Maria Vô nhiễm Nguyên tội. Theo Bérulle, có ba “thời kỳ” mà mọi con người đều phải trải qua trong cuộc đời mình, đó là: thời kỳ khởi đầu của tình trạng bản tính (được thụ thai), thời kỳ khởi đầu của tình trạng ân sủng (chịu phép rửa), và thời kỳ khởi đầu của đời sống ân sủng (có khả năng ứng thuận đối với tác động của ân sủng nơi một con người khi đã bước vào tuổi khôn).[17] Bérulle quả quyết cho rằng, trong mọi con người, ba thời kỳ ấy tồn tại hoàn toàn riêng biệt với nhau, và thường diễn ra cách nhau trong một quãng thời gian khá xa.


Tuy nhiên, nơi Đức Nữ trinh, ba thái trạng ấy được phối nhập làm một với nhau; tình trạng bản tính, tình trạng ân sủng và thời kỳ khởi đầu của đời sống ân sủng, cùng tác động ân sủng hướng về Thiên Chúa, đã được trao ban cho ngài một cách đồng thời, vào cùng một thời điểm.[18]

 

Nói cách khác, nhờ vào ân sủng của Thiên Chúa, cũng như dựa vào những công nghiệp về sau của Đức Giêsu Kitô, Đức Maria đã được tạo dựng, được đón nhận những ân huệ phép rửa, và được ban cho ơn khỏi vướng mắc “một tội riêng nào, suốt cả cuộc đời mình.”[19] Tín điều về Đức Maria Vô nhiễm Nguyên tội tỏ lộ cho thấy mầu nhiệm về những ân sủng đặc biệt, độc nhất vô nhị, được phú ban cho người nữ đã được tuyển chọn để làm mẹ Con Thiên Chúa Nhập Thể.


Vì Kinh Thánh vẫn giữ thái độ im hơi lặng tiếng – và có lẽ cũng vì Đức Maria đã chẳng nói gì về mình – nên không ai có thể hiểu hết được mọi điều về những năm tháng đầu đời của ngài. Bức màn thinh lặng bao phủ lên trên mầu nhiệm về lòng tin của Đức Maria, kéo dài từ khoảnh khắc đầu tiên ngài chào đời cho đến biến cố được lấy làm mốc điểm giúp lần theo quá trình hình thành và phát triển của lòng tin ấy. Có lẽ chính vì thế mà ở đây, cần phải nhờ đến một thứ trực giác – như Jean Guitton từng đề xuất – mới hầu nắm được nét đặc trưng vốn dĩ đã có từ trước nơi Đức Maria, và theo sát ngài trong từng bước đường ngài đi, từ thời điểm Truyền tin cho đến những giờ phút thương đau trên đồi Canvariô, lúc mà ngài “đã hoàn toàn trưởng thành cùng với quá trình mạc khải tiệm tiến của Lời.”[20] Guitton nhận định như sau: “Một trong những đặc nét đầu tiên dễ nhận ra nơi Đức Nữ trinh, khi ngài còn là một hài nhi, có lẽ là khả năng ‘lắng nghe và đặt câu hỏi’.”[21] Dựa vào khả năng ấy của Đức Maria, thì có thể thâu tóm được mầu nhiệm về lòng tin của ngài. Ngài đã lắng nghe, ngài đã đặt câu hỏi, và ngài đã tin. Khả năng ấy – lần đầu tiên được bộc lộ ra trong cuộc viếng thăm của sứ thần – đã tiếp tục thể hiện rõ vào mỗi giai đoạn có tính cách then chốt trong cuộc đời ngài.


Lòng tin của Đức Maria: ân huệ tuyệt đỉnh và vĩnh cửu của Chúa Thánh Thần (1)

Chân dung Mẹ Maria theo truyền thống Nhật Bản

 

II. TỪ BIẾN CỐ TRUYỀN TIN CHO ĐẾN CẢNH ĐỒI THẬP GIÁ


Mầu nhiệm về lòng tin của Đức Maria, xét từ biến cố Truyền tin cho đến giờ phút đứng dưới chân Thập giá, là một bức họa đan xen thành từ tranh tối lẫn tranh sáng, từ  những gì được nói lên lẫn những gì còn tiềm ẩn trong vòng thinh lặng. Tình trạng vô nhiễm nguyên tội của Đức Maria không hề miễn trừ việc ngài – dù được tuyên tôn như là đấng “đầy ân sủng,” thì cũng – phải sống qua kinh nghiệm đức tin của con người. Câu chuyện về kinh nghiệm sống đức tin ấy của Đức Maria đã được ghi lại trong Kinh Thánh. Ở đó, có thể đọc thấy được những lời do chính miệng ngài thốt ra hoặc những lời phát biểu về ngài. Ở đó, có thể nhận thấy được thái độ lặng thinh và trầm tư suy ngẫm trong lòng của Đức Maria.[22] Cùng với quá trình mạc khải tiệm tiến của Lời, sự hiểu biết và nhận thức của Đức Maria cũng được đào sâu thêm; ngài cũng trưởng thành lên trong khả năng quy hướng về với Thiên Chúa, khả năng đón nhận sự sống của Thiên Chúa nơi mình, và khả năng thuận theo ân sủng của Người. Đấng được ca ngợi là đầy ân sủng, cũng đã sống qua kinh nghiệm trưởng thành lên trong tình trạng gia tăng của ân sủng tràn đầy ấy, hằng cảm nghiệm thứ ân huệ không ngừng được trao ban của Chúa Thánh Thần và sức năng động [δύναμις] vĩnh cửu của quyền năng Đấng Tối cao trong cuộc đời mình.


Đánh dấu một khoảnh khắc trọng đại trong bước đường sống kinh nghiệm đức tin của Đức Maria, đoạn trình thuật về biến cố Truyền tin phải được ngẫm đọc dựa theo bối cảnh đời sống nội tâm của Đức Maria tính từ trước cho đến thời điểm diễn ra biến cố ấy. Hans Urs von Balthasar đã hùng hồn diễn tả về điều này như sau:


“Nơi Đức Maria [...], toàn bộ lòng tin của dân Ítraen, khởi đầu với lòng tin vốn chưa từng thấy của Abraham, được kết tụ thành một, một thứ lòng tin quy hướng về Đức Kitô và hằng giữ vai trò như là mẫu gương cho các kitô hữu. [...] Trong việc thiết lập Giao ước Mới, vốn là thứ Giao ước đã được minh nhiên khẳng định như là “thành tựu” của Giao ước Cũ, làm sao hết thảy mọi yếu tố vô cùng tích cực của Giao ước này lại không được kể đến? Làm sao Đức Kitô có thể đi vào lịch sử cứu độ mà lại không để tất cả những gì có tính cách tích cực như thế được trao ban cho mình qua Mẹ của Người? Rõ ràng là qua hành vi tuyên xưng trọn vẹn đức tin – biểu hiện tình trạng tự do dứt khoát, không chút dính bén với tội nguyên tổ – của Đức Maria, lòng tin của Abraham không những được quy kết lại, mà còn được làm cho trở nên siêu việt nữa...”[23]

 

Trong lời chào mừng của sứ thần, Đức Maria đã nhận ra được một thách đố và một lời mời gọi. Thách đố đặt ra cho ngài chính là việc ngài phải làm sao đó để lòng tin của mình được trỗi vượt lên trên lòng tin của Abraham, lòng tin của các thế hệ tiền nhân, lòng tin của dân Ítraen. Ngài được mời gọi đưa lòng tin của mình tiến vào một tình trạng thâm sâu mới mẻ, mặc lấy cho nó một phẩm chất mới lạ; và lòng tin ấy đã được thể hiện cả qua ý chí tuân phục của Đức Ma­ria, lẫn qua thái độ tin tưởng của ngài vào việc Thiên Chúa sẽ hoàn thành những gì Người đã hứa. Thánh Âugu­ti­nô đã miêu họa sinh động về khoảnh khắc truyền tin ấy như sau:


“Sứ thần loan tin, Đức Nữ trinh lắng nghe, tin tưởng, thụ thai,  tràn đầy niềm tin trong lòng, mang trọn Đức Kitô trong dạ.”[24]

 

“Tràn đầy lòng tin và thụ thai Đức Kitô trong tâm hồn trước khi mang thai Người trong lòng dạ, ngài đã thưa lên: ‘Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa; xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần báo’.”[25]

 

“Đức Maria đã tin, và điều ngài tin đã được thành tựu nơi ngài.”[26]

 

Vén mở cho thấy một khía cạnh trong mầu nhiệm về lòng tin của Đức Maria, đoạn trình thuật Truyền tin tự nó, chưa biểu đạt trọn vẹn mạc khải về mầu nhiệm này. Trong chuyến trẩy đi vội vã đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa, chắc hẳn Đức Maria đã trầm tư, suy ngẫm về biến cố ngài vừa sống qua. Lời chào đón của bà Êlidabét làm như gợi lại đìều thách đố và lời yêu cầu kia, cũng như xác nhận lại lời hứa và việc thành tựu lời hứa ấy, tức là những gì nói đến trong buổi Truyền tin. Là nữ tỳ yêu dấu của Đấng Tối cao, hiền thê trinh trong của Chúa Thánh Thần, người Mẹ tuyển chọn của người con rất thánh được gọi là Con Thiên Chúa, Đức Maria đã – một lần nữa – hân hoan bày tỏ thái độ đáp trả. Phản ánh thị kiến của các ngôn sứ,[27] niềm trông đợi của Ítraen,[28] lòng tín trung của Đấng Toàn năng,[29] khúc ca tán tụng của Đức Maria biểu lộ cho thấy rõ một thứ trực giác đức tin đã bước sang một giai đoạn tiến phát mới mẻ, bởi khả năng phục thuận Thiên Chúa nơi ngài đã thực sự gia tăng thêm hẳn.


Giai đoạn thứ hai trong tiến trình trưởng thành về lòng tin của Đức Maria được ghi lại trong các đoạn trình thuật về thời thơ ấu của Đức Giêsu. Các đoạn trình thuật này kể đến nhiều sự việc khác nhau, như: nỗi lao tâm khổ tứ của thánh Giuse trong những hoàn cảnh khó khăn chung quanh biến cố hạ sinh Đức Giêsu; cuộc tha hương lánh nạn sang Ai cập; những lời tiên tri của Simêon; biến cố Đức Maria lạc mất Con mình. Không kể đến những lời Đức Maria đã nói với Hài nhi, khi ngài và thánh Giuse tìm được Người trong đền thờ, thì những sự việc vừa nêu được khắc họa nên bằng chính thái độ giữ thinh lặng của Đức Maria, khi ngài ghi sâu và ngẫm suy trong lòng hết thảy những gì ngài đã nghe và chứng kiến.[30] Cùng lúc, phần lớn các sự việc ấy cũng được họa dệt giữa bóng tối đức tin phủ kèm với quá trình nhận thức từng bước về “hoàn cảnh lịch sử cụ thể trong đó Con mình phải hoàn thành sứ mạng của Người giữa những hiểu lầm và khổ đau.”[31]

 

Thái độ “vâng phục trong đức tin[32] của Đức Maria – thể hiện qua lời ngài đáp trả với sứ thần – không chỉ thu hẹp vào trong khoảnh khắc Truyền tin. Nơi từng bước tiến trên con đường đức tin, vào mỗi thời điểm quan trọng đánh dấu sự hiểu biết và nhận thức rõ ràng hơn của ngài về sứ mạng Con mình và về phần đóng góp của mình vào sứ mạng ấy, Đức Maria cũng đã thể hiện được thái độ vâng phục của mình, một thái độ vâng phục mang cùng một tính cách trọn vẹn hệt như lúc đầu, khi ngài mới bước vào cuộc hành trình hướng về Thiên Chúa; và càng lúc, thái độ vâng phục ấy càng trở nên mới mẻ, vững vàng và sâu đậm thêm hơn. Thái độ vâng phục của Đức Maria là một đặc nét lộ hiện rõ mổn một trong mầu nhiệm về lòng tin của ngài vào một Đấng Thiên Chúa luôn có những đường lối khôn dò, những quyết định không thể hiểu thấu.[33] Thái độ vâng phục của Đức Maria trong đức tin – trong “ánh sáng lờ mờ” của đức tin, trong “đêm đen” đức tin – biểu thị tình trạng ngài phải chấp nhận trước khi sự việc xảy đến, hết thảy những gì đã được tiền định trong kế hoạch thần linh vốn chỉ được mạc khải trọn vẹn qua một quá trình tiệm tiến.


Thái độ vâng phục của Đức Maria đã trở thành một nét chủ đạo (leitmotiv) của những tháng năm ẩn dật ở Na­da­rét, là giai đoạn Đức Giêsu lớn lên về tuổi tác, tiến bộ vững vàng về mặt khôn ngoan và ân sủng, và là giai đoạn mà mẹ Người – “con người đầu tiên... khám phá Đức Kitô”[34] – trưởng thành thêm trong đức tin, càng lúc càng được tô điểm cho phong phú hơn nhờ lớn lên trong mọi ân sủng. Về điều này, tưởng có thể trưng dẫn lại ở đây lời của Đức Hồng y John Henry Newman tha thiết khuyên nhủ các kitô hữu hãy có thái độ kiên tâm bền chí trong đời sống và trong cuộc lữ hành đức tin mà các môn đồ Đức Kitô đã được mời gọi bước vào:


“Ước gì chúng ta coi mình có phúc khi – theo năm tháng dần trôi – chúng ta được ban thêm hết ân huệ này đến ân huệ khác, và khi – theo đà trưởng thành đi lên, qua từng bước một – chúng ta không có thái độ chểnh mảng đối với ân huệ thấp hơn sau khi đã nhận được ân huệ cao hơn, cũng như không tìm cách nhắm đến ân huệ cao hơn trước khi nhận được ân huệ thấp hơn. Ân huệ đầu tiên là đức tin, ân huệ cuối cùng là đức ái; nhiệt tâm đến trước, từ ái đến sau; khiêm hạ đến trước, an bình theo sau; chuyên cần có trước, rồi mới đến nhẫn nhục. Ước gì chúng ta học biết cách làm tăng triển mọi ân huệ trong chúng ta; hãy kính sợ và khiếp run, canh thức và hối cải, bởi Đức Kitô đang đến; hãy hân hoan, cảm tạ, và đừng lo lắng về tương lai, vì Người đã đến.”[35]

Quả thực, mầu nhiệm về lòng tin của Đức Maria cũng như cuộc lữ hành đức tin của ngài – không hề gợn một chút dấu vết nào của tội lỗi, vượt ra khỏi mọi giới hạn của vòng tội lụy – đã trở thành một thứ kiểu mẫu điển hình về cuộc hành trình thiêng liêng mà mọi môn đồ của Đức Kitô đều được mời gọi dấn bước vào. Có thể nói ngay mà không cần phải do dự rằng có một chiều kích Maria (Marian dimension) tồn tại ngay trong cuộc đời của mọi môn đồ Đức Kitô.[36]


Chiều kích Maria ấy lộ hiện lên trong các văn đoạn kinh thánh ghi lại các bước triển phát về sau nơi tiến trình mầu nhiệm về đời sống đức tin của Đức Maria. Theo dõi đoạn trình thuật về tiệc cưới Cana, thì có thể bắt gặp được hình ảnh của một Đức Maria đang mang nơi mình những hiểu biết và nhận thức mới mẻ – đã tiến đến một mức trưởng thành sâu xa hơn – nhờ vào kinh nghiệm sống ngài đã có với con mình suốt trong quãng thời gian ẩn dật ở Nagiarét. Những lời lẽ ngài thưa với Đức Giêsu mang tính cách đơn sơ, bộc trực, không cầu kỳ kiểu cách, và đượm đầy tin tưởng. Những chỉ dẫn ng&agra