Suy niệm Thần học và tu đức về mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa (1)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 617 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

I. CHÚA CHA LÀ NGUỔN SUỐI TÌNH YÊU


Thiên Chúa là Tình Yêu, là Nguồn Suối mọi tình yêu. Thánh Gioan dùng những cách nói rất cụ thể để diễn tả Thiên Chúa là Nguồn Suối Tình Yêu : - Lòng mến (Tình yêu) phát xuất từ Thiên Chúa ; - Ai yêu mến thì sinh bởi Thiên Chúa và biết Thiên Chúa ; - Ai không yêu mến thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Tình Yêu (1 Ga 4, 7-8).


Nếu xét theo văn mạch, tác giả thư I Gioan nhấn mạnh nhiều hơn đến lịch sử cứu độ, cũng là lịch sử mạc khải tình yêu của Thiên Chúa, mà trọng tâm là việc Thiên Chúa sai Con Một Người đến trần gian, để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống (c. 9), làm của lễ đền tội cho chúng ta (c.10), làm Đấng cứu độ thế gian (c. 14). Cái nhìn của Gioan về Thiên Chúa Tình Yêu là cái nhìn cứu chuộc học.


Nếu chúng ta đọc kỹ hơn, thì sẽ nhận ra cái gốc của lịch sử cứu độ, chính là bản chất của Thiên Chúa. Thiên Chúa, tự bản chất là yêu thương và là nguồn gốc của mọi tình yêu. Và đó là nền tảng của lịch sử cứu độ. Và chữ Thiên Chúa ở đây chắc chắn phải hiểu là Chúa Cha. Cứ sự thường, khi nói đến tình yêu nơi Thiên Chúa, người ta nghĩ đến Chúa Thánh Thần. Nhưng rõ ràng ở đây, tác giả Gioan dùng chữ Tình Yêu để định nghĩa Thiên Chúa, nói lên bản chất đích thực của Thiên Chúa.


Giáo phụ và Huấn quyền còn nói rõ hơn, khi trình bày mầu nhiệm Tình Yêu nơi Thiên Chúa: Chúa Cha là Tình Yêu khởi Nguồn (Amor Originans), là Tình Yêu Sinh Hạ (Amor Generans), là Lòng Mến Phong Nhiêu (Caritas fecunda).


Để phân biệt với Chúa Con và Chúa Thánh Thần, cũng tự bản chất là Tình Yêu, nguồn suối mọi tình yêu, và mọi thực tại, Giáo phụ và Huấn quyền dùng những từ ngữ nhấn mạnh đặc biệt tư cách Nguồn Gốc Tuyệt Đối của Thiên Chúa Cha :


- Chúa Cha là Khởi Nguyên không có khởi nguyên (Principium sine principio)

- Chúa Cha là Nguồn khởi nguồn (Origo Originans).

- Chúa Cha là Nguồn Mạch (Fons fontalis).


Dựa trên Mạc Khải, Huấn Quyền còn lập đi lập lại Chúa Cha là Nguồn Suối của Thần Tính (Fons Deitatis), là Nguồn Sinh ( Principium Generans).


Chiêm ngắm Chúa Cha dựa vào Gioan, hay dựa vào Giáo Phụ và Huấn quyền, chúng ta thấy rõ đó là hai cách diễn tả cùng một thực tại. Cách của Gioan là dùng lịch sử cứu độ để minh họa tình yêu của Chúa Cha, cách của Huấn Quyền là dùng những từ ngữ rõ, cô đọng, nhưng cả hai đều nhấn mạnh đặc tính, cương vị Nguồn Gốc của Chúa Cha.


Chúng ta hãy dừng lại và suy nghĩ về chữ Nguồn. Nguồn là gì ? Bản chất của Nguồn là gì ? Nếu dùng hình ảnh mà diễn tả, thì bản chất của Nguồn là Tuôn Chảy, Tuôn Ra, Mở Ra, Tuôn Đổ. Bản chất của Nguồn là không giữ lại chính mình,cho đi tất cả. Nếu nguồn giữ lại chính mình, tức khắc trở thành ao tù nước đọng, chứ không còn là nguồn nữa.


Ứng dụng hình ảnh này cho Mầu Nhiệm Chúa Cha trong Tin Mừng Gioan, chúng ta thấy rất đúng: Chúa Cha yêu mến Chúa Con và cho Chúa Con tất cả, không giữ lại cho mình gì cả:


- Chúa Cha cho Chúa Con các công việc để chu toàn (Ga 5, 36).

- Chúa Cha cho Chúa Con đặc quyền phán xử (Ga 5,22-27).

- Chúa Cha cho Chúa Con quyền năng trên mọi tạo vật (Ga 17, 2).

- Chúa Cha ban cho Chúa Con mọi sự trong tay (Ga 3, 35; 13, 3).

- Chúa Cha cho Chúa Con tất cả, nên mọi sự của Cha là của Con (Ga 16, 15 ; 17,10), kể cả sự sống thần linh (Ga 5, 26).

- Chúa Cha ban cho Chúa Con chính bản thân mình, chính sự sống của mình, nên Con sống nhờ Cha (Ga 5, 26; 6, 57).


Dùng hình ảnh Nguồn Nước ứng dụng cho Chúa Cha trong tương quan với Chúa Con, chúng ta có thể suy tư : Chúa Cha sinh ra Chúa Con và hiện hữu trong Chúa Con như Nguồn Nước sinh ra Nước Nguồn và hiện hữu trong Nước Nguồn. Như vậy sinh ra là cho đi chính mình, là cho tất cả, là tự hiến trọn vẹn. Và bản chất của Thiên Chúa, của Chúa Cha, là Tự Hiến. Trước hết đó là một sự tự hiến nội tại cho nhau, một sự đón nhận lẫn nhau, mà Nguồn Gốc đầu tiên là Chúa Cha. Tất cả bởi Cha và tất cả trở về với Cha. Tình Yêu thần linh nơi Chúa Cha giống như Nguồn Nước không giữ lại chính mình, trái lại còn từ bỏ chính mình, cho đi chính mình, và vì sự từ bỏ này mà có Chúa Con. Sự từ bỏ nằm trong chính nguồn gốc của tình yêu và sự sống, nằm trong chính Thiên Chúa, và chính vì thế, là điều hết sức quan trọng đối với đức tin kitô-giáo của chúng ta.


Trong lịch sử cứu độ, khi Chúa Cha ban Con Một của Người cho chúng ta, Người tự hiến cho chúng ta trong Con Yêu Yêu Dấu của Người. Sự tự hiến này thể hiện được trong Chúa Thánh Thần, vì Chúa Thánh Thần là Thần Khí, là Sự Sống của Chúa Cha và là Sự Sống của Chúa Kitô, Con Một của Cha. Chúa Thánh Thần vừa là Ngôi Vị, vừa là Hồng Ân.


Có thấu hiểu được tình yêu của Chúa Cha đối với Chúa Giêsu, chúng ta mới thấy được tất cả các chiều kích của tình yêu mà Chúa Cha dành cho chúng ta. Và có yêu quý Chúa Giêsu, chúng ta mới cảm nghiệm được tình yêu của Cha và cảm tạ Cha. Càng khám phá Chúa Giêsu, chúng ta càng yêu Cha, yêu Cha cùng với Chúa Giêsu và trong Chúa Giêsu.


II. MẦU NHIỆM CHÚA CON


Yêu thương là đón nhận và dâng hiến


Chúa Cha là Thiên Chúa Hằng Sống, là Tình Yêu Hằng Sống (Vivens Pater, Ga 6, 57), là Vị Thiên Chúa cởi mở (le Dieu ouvert). Sự cởi mở nguyên thủy của Chúa Cha là "trao ban". Yêu thương nơi Chúa Cha là trao ban sự sống mình. Sự sống được trao ban ấy làm thành sự sống của Chúa Con.


A. Chúa Con đón nhận sự sống từ Chúa Cha


Sự sống của Chúa Con là sự sống của Cha, "Sự Sống đón nhận từ Cha", "Sự Sống bởi Sự Sống", là Sự Sống được sinh ra. Lẽ Sống của Chúa Con là "đón nhận" Chúa Cha. Đối với Chúa Con, yêu thương là không ngừng đón nhận Cha, đón nhận Cha cách trọn vẹn. Chính sự đón nhận này làm nên cuộc sống của Chúa Con, là niềm vui và hạnh phúc của Chúa Con.


Đặc điểm của Chúa Con là "đón nhận". Chúa Con đón nhận Tình Yêu và Sự Sống từ nơi Cha (Ga 5,26 ; 6,57), đón nhận Tư Tưởng và Ý Muốn của Cha (Ga 4,34), đón nhận Giáo Lý và Lời của Cha (Ga 7,16 ; 8,28 ; 12, 49), công việc và chương trình của Cha (Ga 5,19-21 ; 10,25. 32. 37 ; 14,31). Chúa Con không có gì cả, tất cả là của Chúa Cha. Nhưng tất cả những gì của Cha là của Con (Ga 16,15 ; 17,10), vì Cha đã ban cho Con mọi sự trong tay (Ga 5,20 ; 13,3).


Cuộc sống của Chúa Con như luôn "qui hướng" về Cha để lãnh nhận sự sống. Mà sự sống ấy là chính Cha, là Bản Thân Cha, là Bản Thể của Cha. Vì đón nhận trọn vẹn Bản Thể của Cha, nên Con mới có cùng bản thể với Cha, là "Ánh Sáng bởi Ánh Sáng", là "Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, được sinh ra mà không phải tạo thành" (Kinh Tin Kính Nicée-Constantinople).


Chúa Con đón nhận Chúa Cha trọn vẹn đến nỗi tất cả Chúa Cha ở trong Chúa Con và Cha với Con là một. Chúa Con sung sướng vì có Chúa Cha trong mình (Ga 17,21). Người là Đấng "mang Thiên Chúa" (Theophore).


Chúa Con mãi mãi "đón nhận", nên mãi mãi là Con. Chúa Cha là Tình Yêu Sinh Hạ, Chúa Con là Tình Yêu được sinh ra. Chúa Con giống Chúa Cha mọi đàng, là Hình Ảnh Trọn Hảo của Cha. Nhưng so với Chúa Cha, thì Chúa Con là Đấng được sinh ra, không ngừng được sinh ra và mãi mãi được sinh ra. Chúa Con mãi mãi là Con, sung sướng được làm Con. Sự khiêm nhường của Chúa Con là mãi mãi sống tư cách làm Con (Filiation divine éternelle). Hạnh phúc của Chúa Con là "được làm Con của Chúa Cha". Chúa Con muốn chia sẻ hạnh phúc đó cho chúng ta.


Con đường thơ ấu thiêng liêng của thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu chứng tỏ chị hiểu sâu xa hạnh phúc của Chúa Giêsu được làm Con Thiên Chúa.


B. Lãnh nhận tất cả từ nơi Cha, Chúa Con sẵn sàng hiến dâng trở lại cho Cha. Sự Dâng Hiến là biểu hiện sâu xa của Tình Yêu. Dâng Hiến là hành vi yêu thương biểu lộ lòng ngưỡng mộ, sự say mê và tôn sùng. Chúa Con không ngừng dâng hiến sự sống mình cho Chúa Cha. Từ đời đời, Người dâng hiến bản thân mình cho Cha. Đó là mầu nhiệm tình yêu dâng hiến sâu thẳm trong lòng Thiên Chúa Ba Ngôi mà sách Khải huyền diễn tả bằng hình ảnh "Chiên Con chịu sát tế từ đời đời" (5,9. 12).


Trên bình diện Lịch sử cứu độ, Chúa Giêsu là con người say mê Thiên Chúa hơn ai hết. Người yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, hết trí khôn. Tình yêu của Người đối với Chúa Cha đã khiến cho Người có những hành động và lời nói không thể giải thích bằng một luận lý bình thường. Người ta không hiểu Người, tưởng Người điên: Người là một kẻ điên vì Tình Yêu Tuyệt Đối (le fou de Dieu, Mc 3,20-21). Thập giá của Người là một sự điên rồ và là cớ vấp phạm. Nhưng đó là Tình yêu và là Yêu cho đến cùng (usque ad finem): yêu cho đến mức "dâng hiến tất cả", không giữ lại gì cả, dâng hiến sự sống mình, dâng hiến bản thân, dâng hiến "cái tôi" của mình trong một tình yêu vâng phục tuyệt đối.


Đối với Chúa Giêsu, dâng hiến mạng sống mình cho Thiên Chúa cũng là trao ban sự sống mình cho nhân loại : người saün sàng trở thành "Hồng Ân" trong tay Thiên Chúa (vì Chúa Cha muốn ban Con Một Ngài cho nhân loại). Người phó thác sự sống mình trong tay Cha, để Cha làm gì tùy ý (Lc 23, 46).


Là Hồng Ân của Cha ban cho nhân loại, Người là Hồng Ân cho đến cùng. Người là Hồng Ân mang lại hạnh phúc, mang lại sự sống cho nhân loại. Người là Hồng Ân Mạc Khải, là Hồng Ân Cứu Độ. Người thi hành trọn vẹn sứ vụ Mạc Khải. Người đã hoàn tất ơn Cứu Độ (consummatum est, Ga 19, 30). Khi Chúa Cha ban Con Một Ngài cho chúng ta, Chúa Cha ban Mạc Khải, Chúa Cha ban ơn Cứu Độ (don du Fils : don de la Révélation, don du Salut) ; Chúa Cha ban Đấng Mạc Khải, Chúa Cha ban Đấng Cứu Thế. Sự Dâng hiến trọn vẹn của Chúa Giêsu trên thập giá đã trở thành "Hồng Ân Cứu Độ".


Nơi Chúa Giêsu, tất cả là Hồng Ân, tất cả đều là Mạc Khải. Theo thánh Augustino, vì Lời đã nhập thể trở thành Giêsu, nên mọi sự nơi con người Giêsu đều là Lời. Nhưng cao điểm của sự Dâng Hiến cũng là cao điểm của Hồng Ân và cao điểm của Mạc Khải.


Suy niệm Thần học và tu đức về mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa (1)


III. TÌNH YÊU BA NGÔI


Yêu nhau là thuộc về nhau


Một khía cạnh quan trọng khác trong tình yêu Ba Ngôi, mà nhiều khi chúng ta ít để ý: Tình Yêu là một tương quan tùy thuộc; yêu nhau là thuộc về nhau. Ba Ngôi Thiên Chúa Yêu nhau và thuộc về nhau trọn vẹn.


A. Chúa Cha yêu Chúa Con và thuộc về Chúa Con


Ngài là Cha của Chúa Con, "Cha của Đức Giêsu Kitô" là Danh Xưng rõ ràng và quan trọng nhất của Ngài, là Danh Xưng nói lên chân tính của Ngài. Đó là Danh Xưng trả lời trọn vẹn và đầy đủ nhất câu hỏi Thiên Chúa là ai ? - Có thể nói: Danh Xưng ấy ràng buộc Chúa Cha với Đức Giêsu Kitô. Sự ràng buộc này là Lẽ Sống của Ngài. Ngài hạnh phúc trong cương vị làm Cha (Paternité). Hạnh phúc của Ngài xây dựng trên tình Cha-Con.


Sự ràng buộc của Chúa Cha với Chúa Con là một sự ràng buộc vừa tự nguyện, vừa tự bản chất. Vì yêu Con mà Cha muốn thuộc về Con, và tự bản chất Cha là Tình Yêu. Vì yêu mà Cha luôn sinh ra Con, trở thành sự sống của Con, là Gia Nghiệp của Con. Vì yêu mà Cha ở trong Con, hạnh phúc khi ở trong Con. Con là tất cả của Cha, là Thiên Đàng của Cha. Cha cần Con như cần "môi trường sống" (milieu vital).


Trên bình diện Lịch sử cứu độ, đối với Chúa Cha, không có niềm vui nào lớn hơn niềm vui nhìn Con mình thực thi chương trình cứu độ. Chương trình ấy không gì khác hơn là "diễn tiến trong lịch sử loài người" của Tình Yêu Thần linh.


Chúa Cha ngưỡng mộ và thán phục Chúa Con, khi nhìn Chúa Con hạ mình trở thành "Tôi tớ phục vụ" để mạc khải Tình Yêu của Ngài.


B. Chúa Con thuộc về Chúa Cha


Chúa Kitô là Con Yêu Dấu của Chúa Cha, là Con Một của Cha, là Hoa Quả Lòng Dạ Cha. Sự sống của Chúa Con hoàn toàn tùy thuộc vào Chúa Cha. Chúa Con không ngừng tùy thuộc vào Chúa Cha, vì không ngừng được Chúa Cha sinh ra. Cha De La Potterie chú giải câu Tin Mừng Ga 1, 18 (Thiên Chúa, không ai thấy bao giờ: Con Một, Đấng ở nơi Cung Lòng Cha, chính Ngài đã thông tri): "Chúa Con chỉ hiện hữu trong tư thế hướng về Cha, ý thức rằng mình lãnh nhận sự sống, hiện hữu, từ Cung Lòng Cha. Gioan mô tả Chúa Con trong tư thế đón nhận sự sống thần linh từ Chúa Cha" (Jean le décrit dans l'acte éternel de recevoir du Père la vie divine).


Trên bình diện Lịch sử cứu độ, Chúa Giêsu xuất thân từ nhóm người nghèo của Giavê, và là người nghèo nhất trong nhóm người nghèo. Ngài thuộc về Thiên Chúa trọn vẹn hơn hết. Tâm hồn, thể xác, trái tim. Đời sống độc thân cũng là dấu chỉ Ngài thuộc về Thiên Chúa.


Cuộc sống tại thế của Ngài hoàn toàn tùy thuộc vào Chúa Cha. Ngài là Sứ-giả của Cha, là Tông đồ của Cha, là Đấng Cha sai đến trần gian để thực thi chương trình cứu độ của Cha. Ngài hoàn toàn tùy thuộc vào Cha: lời nói của Ngài không phải là của Ngài mà là của Cha, Đấng đã sai Ngài (Ga 14, 24), giáo lý của Ngài là của Cha (Ga 7, 16), công việc của Ngài là của Cha (Ga 5,19-20 ; 10, 38 ; 14,10-12).


Cha Mollat, trong tác phẩm "Saint Jean, Maitre spirituel" có những cách nói rất cô đọng về sứ vụ và con người của Đức Giêsu: "exprimer" le Père (diễn tả Chúa Cha), "dire" le Père (nói ra Chúa Cha), réaliser l'agir du Père (thực hiện hành động của Cha), faire entendre du Père (làm cho nghe Chúa Cha), révéler son coeur (mạc khải tấm lòng Cha).


Sự tùy thuộc của Chúa Giêsu vào Chúa Cha là một sự tùy thuộc toàn diện và tuyệt đối, là một sự tùy thuộc lạ lùng và kỳ diệu, biểu lộ sự "mật thiết sâu xa, sự kết hiệp hoàn toàn với Chúa Cha. Trái tim của Ngài, tâm hồn và thân xác của Ngài thuộc trọn về Cha, đến nỗi Ngài có thể nói: "Ta sống nhờ Cha" (Ga 6,57) hay "Ta sống mà không phải là Ta, nhưng là Cha sống trong Ta", "Ai thấy Ta là thấy Cha" (Ga 14, 9).


Chúa Giêsu hoàn toàn sống cho Cha và vì Cha, nên Ngài thường ao ước "chết đi" để thuộc trọn về Cha. Chết là "trở về Cung Lòng Cha", như trở về Nguồn Sống của chính bản thân mình.


C. Chính Chúa Thánh Thần làm cho Chúa Cha thuộc về Chúa Con và Chúa Con thuộc về Chúa Cha


Chúa Thánh Thần là: "Nụ hôn" (osculum) gắn chặt Chúa Cha và Chúa Con với nhau, nụ hôn tạo thành sự duy nhất bất khả phân (không mãnh lực nào có thể tách rời Chúa Cha với Chúa Con; không gì êm dịu và mạnh mẽ bằng Chúa Thánh Thần).


Chúa Thánh Thần là Nụ Hôn Tình Yêu và Sự Sống, là Nụ Hôn tươi trẻ và bất diệt.


Sự hiện hữu của Chúa Thánh Thần là do Chúa Cha và Chúa Con vì Chúa Thánh Thần là Sức Mạnh Tình Yêu của Cha và Con (không có Cha thì không có sức mạnh tình yêu của Cha, không có Con thì không có sức mạnh tình yêu của Con). Sứùc mạnh Tình Yêu ấy bởi Cha và Con, nối kết Cha với Con, và tùy thuộc vào Cha và Con.


Trên bình diện Lịch sử cứu độ, Chúa Thánh Thần tùy thuộc vào Chúa Giêsu như Chúa Giêsu tùy thuộc vào Chúa Cha (Ga 16,13-15). Công tác của Chúa Thánh Thần là gắn bó chúng ta với Chúa Giêsu, như Người đã gắn bó Chúa Giêsu với Chúa Cha.


"Người (Chúa Thánh Thần) sẽ làm chứng cho Ta (Chúa Giêsu)" (Ga 15, 26)


"Người sẽ làm cho Ta được vinh hiển, sẽ lấy của Ta mà thông báo cho các ngươi" (Ga 16, 14).