Thần học về bí tích Thánh Thể qua các thời đại (2)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 772 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

(tiếp theo)


III. Thời cận đại


Thần học cận đại chú trọng vào việc bảo vệ đạo lý công giáo chống lại nhóm Tin Lành. Thực ra nên đặt các biến cố trong khung cảnh lịch sử của nó. Những nhà tiên phong của phong trào Cải cách như các ông John Wyclif và Jan Huss (+1415) không nhằm công kích thần học kinh viện cho bằng cổ vũ một cuộc cải cách kỷ luật trong Hội thánh, bài trừ những lạm dụng trong việc cử hành Thánh lễ (chẳng hạn như bổng lễ, những hình thức tôn kính lệch lạc). Họ không phải là những phần tử cực đoan hoặc bướng bỉnh, bởi vì vào thời ấy nhiều nhân vật đạo đức (Gerson, Nicolas Cusano, Erasmus, vv) cũng lên tiếng đả kích những lệch lạc về đạo lý hoặc thực hành. Ngay cả công đồng Trentô cũng nhìn nhận nhiều khuyết điểm trong đời sống Giáo hội và ban hành nhiều quyết nghị cải cách.


Tiếc rằng trong một bầu khí sôi bỏng của cuộc tranh cãi, người ta khó nhìn nhận lý lẽ của đối phương, vì thế mỗi bên khăng khăng bảo vệ lập trường của mình và tẩy chay lập trường của bên kia.


1. Chủ trương của nhóm Cải cách


Chúng tôi chỉ giới hạn vào lãnh vực thần học, chứ không đụng đến khía cạnh kỷ luật và phụng vụ. Nói chung, nhóm Cải cách chỉ trích thần học kinh viện là dựa theo lý luận triết học hơn là dựa vào Kinh thánh. Vì thế nhóm Cải cách chủ trương “trở về nguồn”, tìm về chân lý của Kinh thánh chứ không phải căn cứ vào các tín điều của Giáo hội. Mặc khác, tuy họ bác bỏ triết học kinh viện thiên về bản tính, nhưng họ cũng mặc nhiên du nhập một thứ triết học riêng biệt (tạm đặt tên là “hiện sinh”) đề cao mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa (thái độ tín thác) hơn là dựa trên các thực thể bền vững và tĩnh.


Trong bối cảnh ấy, ông Lutêrô nói đến sự hiện diện của Chúa Kitô ở giữa cộng đoàn khi họp nhau để cử hành bữa tiệc của Chúa (ăn mình Chúa và uống chén của Chúa), chứ không phải là sự hiện diện trong hình bánh rượu nữa. Ong tẩy chay thuật ngữ “transubstantiatio”. Ong không chấp nhận Thánh lễ như là hy tế, bởi vì hy lễ của Chúa Kitô chỉ được dâng hiến một lần và không thể nào lặp lại nữa (xc. Dt 9,12.25-28; 10,10-14). Ong cũng đòi hỏi cho tất cả các tín hữu được tham dự vào bữa tiệc của Chúa: không những họ được quyền lãnh nhận Mình và Máu Chúa, nhưng họ còn là những nhân vật chính, xét vì Tân ước chỉ nói đến chức tư tế phổ quát của các tín hữu chứ không nói tới một chức vụ tư tế nào khác nữa.


Mặc dù giữa các nhà lãnh đạo của nhóm Cải cách (Lutêrô, Zwingli, Calvin) có sự khác biệt trong cách giải thích sự hiện diện của Chúa Giêsu trong bí tích này, nhưng nói chung họ nhất trí trong việc phủ nhận tính cách hy tế của Thánh Thể và sự phân biệt giữa chức tư tế thừa tác và chức tư tế phổ quát.


2. Công đồng Trentô


Công đồng không trình bày một văn kiện quy mô về bí tích Thánh Thể, nhưng chỉ nhắc lại đạo lý cổ truyền để chống lại những điểm sai lạc của nhóm Cải cách, cụ thể ở ba điểm: sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu trong bí tích; tính cách hy tế của Thánh lễ; việc rước lễ. Các quyết nghị của công đồng được ban hành trong các sắc lệnh biểu quyết vào những khoá họp khác nhau, cách nhau hơn kém 10 năm. Dĩ nhiên, công đồng không muốn đụng đến những vấn đề còn tranh cãi giữa các nhà thần học kinh viện.


a) Sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu trong bí tích


Đạo lý được trình bày trong sắc lệnh về Thánh Thể (Decretum de ss. Eucharistia, khóa XIII, ngày 11/10/1551), gồm 8 chương (capitula) bàn về đạo lý và được đúc kết lại trong 11 luận đề (canones). Công đồng khẳng định sự hiện diện đích thực, thực sự và bản thể (vere, realiter, substantialiter) của Mình và Máu cũng như linh hồn và thiên tính của Chúa Giêsu. Nên lưu ý rằng tuy công đồng phi bác chủ trương cho rằng bí tích chỉ là biểu tượng (symbolum) hoặc hình bóng (figura) của Chúa Giêsu, nhưng công đồng cũng phân biệt giữa sự hiện diện “bản nhiên” (naturalis) của Chúa Giêsu hiện ở trên trời, và sự hiện diện “bí tích” (sacramentalis) trong bí tích, mặc dù nhìn nhận sự hiện diện bí tích là “thực sự” (realis).


b) Việc rước lễ dưới hai hình


Sắc lệnh về việc rước lễ (Decretum de communione sub utraque specie et parvulorum) được ban hành ở khoá XXI, ngày 16/7/1562, gồm bốn chương và bốn luận đề. Trước đây Jan Hus đã đòi cho các tín hữu được rước lễ dưới hai hình bánh rượu, và phái Cải cách lặp lại yêu sách đó. Công đồng trả lời rằng không có mệnh lệnh nào của Chúa truyền buộc phải rước lễ dưới hai hình; cách thức rước lễ tuỳ theo sự thẩm định của Giáo hội. Dù sao đi nữa, khi rước lễ dưới hình bánh, thì chúng ta lãnh nhận toàn thể Chúa Giêsu rồi (totum atque integrum Christum verumque sacramentum sumi) cũng như tất cả ân sủng cần thiết cho phần rỗi.


c) Thánh lễ là hy tế


Sắc lệnh về hy tế Thánh lễ (De ss. Missae sacrificio) được ban hành ở khóa XXII, ngày 17/9/1562 sau nhiều năm bàn cãi, gồm 9 chương và 9 luận đề.  Công đồng nhìn nhận sự đồng nhất giữa hy tế thập giá và hy tế Thánh lễ, dựa trên khái niệm “tưởng nhớ” (memoria): thánh lễ làm cho hy tế thập giá trở nên hiện tại (representatio) và áp dụng những công hiệu: tạ ơn và ngợi khen, xá tội, chuyển cầu. Việc tưởng nhớ mang tính cách khách quan, chứ không phải hành vi chủ quan như là hồi tưởng. Trong hy tế Thánh lễ, Chúa Giêsu vẫn là tế phẩm và tư tế, dâng lên hy tế xá tội; chỉ khác một điều là hy tế thập giá thì “đẫm máu” (cruente), còn hy tế Thánh lễ diễn ra “không đẫm máu” (incruente).


3. Thần học sau công đồng Trentô (thế kỷ XVI-XX)


Thần học Công giáo tiếp tục đường hướng của kinh viện, trình bày đạo lý về bí tích Thánh thể dưới ba chủ đề chính: sự hiện diện thực sự, hy tế, và sự chuyển bản thể.


Thần học Tin lành giải thích “bữa tiệc của Chúa” theo chiều hướng biểu tượng. Điều quan trọng không phải là dấu chỉ bí tích nhưng là đức tin vào Lời Chúa.


Phía công giáo thì nhấn mạnh đến giá trị khách thể (ex opere operato) của bí tích: bí tích phát sinh công hiệu tự bản chất chứ không tuỳ vào điều kiện của người nhận lãnh. Trên thực tế, các tín hữu tham dự Thánh lễ cách thụ động (bởi vì họ không hiểu gì) và ít khi rước lễ. Đối lại người ta thấy gia tăng những hình đức đạo đức bình dân: chầu Mình thánh Chúa, rước kiệu.


Phải chờ đến thế kỷ XX mới có những chuyển hướng đáng kể về thần học, nhờ những phong trào canh tân từ đầu thế kỷ XX.


- Phong trào Kinh Thánh làm sáng tỏ hơn ý nghĩa của những đoạn văn Tân ước bàn về việc thiết lập bí tích: cần phân tích những đoạn văn này không những chỉ theo ý nghĩa của từ ngữ, nhưng còn phải được lồng trong bối cảnh lịch sử của bữa tiệc Vượt qua và tín ngưỡng của người Do thái (với những tư tưởng then chốt như là : giao ước, tưởng niệm) cũng như của các cộng đoàn Hội thánh tiên khởi.


- Phong trào phụng vụ nêu bật rằng thần học về Thánh Thể gắn liền với việc cử hành: đây không chỉ là một tín điều lý thuyết nhưng là một huyền nhiệm (mysterium) được diễn tả qua các nghi thức cử hành của các truyền thống phụng vụ bên Đông và bên Tây từ thời các giáo phụ cho đến ngày nay.


- Phong trào đối thoại đại kết cố gắng vượt qua những giới hạn của các cuộc tranh luận vào những thế kỷ gần đây, bằng cách trở về nguồn, tìm hiểu đức tin chung của toàn thể Giáo hội kể từ thời các giáo phụ. Hơn nữa mầu nhiệm Thánh thể được nhìn trong toàn thể lịch sử cứu độ.


Ngoài ra, cần kể thêm những đóng góp không nhỏ của các khoa học nhân văn, chẳng hạn như sử học và triết học. Phương pháp sử học theo dõi sự tiến triển của các vấn đề trong khung cảnh không gian và thời gian, nhờ thế có thể nhận ra đâu là  những nhân tố tương đối và đâu là những nhân tố hằng cửu. Triết học hiện đại nghiêng về chiều hướng hiện sinh hơn là chiều hướng siêu hình của kinh viện: thần học kinh viện chú trọng đến việc định nghĩa bản thể của các thực tại; còn triết học hiện sinh quan tâm đến ý nghĩa đến cuộc sống thực tế. Thánh thể không chỉ là bí tích của sự hiện diện của Chúa Giêsu nhưng còn là bữa tiệc của tình huynh đệ, của việc chia sẻ phục vụ.


Nhờ những đóng góp vừa nói, thần học về Bí tích Thánh Thể trở nên phong phú vào lúc diễn ra công đồng Vaticanô II, và được tiếp nối sau đó. Trong lãnh vực thần học, bí tích này được đặt trong viễn ảnh của một trung tâm được móc nối với nhiều đề tài khác của đạo lý Kitô giáo: Chúa Ba ngôi, Đức Kitô, Thánh Linh, Hội thánh, các bí tích, cánh chung.


1/ Mầu nhiệm Chúa Ba ngôi. Thánh Thể là tặng phẩm của Chúa Cha, sự hiện diện của Ngôi Lời làm người, chịu chết và sống lại, sự tuôn đổ Thánh Linh. Trong kinh nguyện Tạ ơn, phụng vụ tuyên xưng công trình tuyệt diệu của Thiên Chúa Ba ngôi đã thực hiện trong lịch sử và khẩn nài Thiên Chúa quy tụ Hội thánh và nhân loại trong sự hợp nhất hoạ theo khuôn mẫu của ba ngôi.


2/ Mầu nhiệm Đức Kitô. Bí tích Thánh Thể được nối kết với toàn thể mầu nhiệm của Đức Kitô, từ cuộc nhập thể cho đến sứ vụ rao giảng Tin mừng, cuộc tử nạn và phục sinh, và loan báo cuộc quang lâm của Người. Điều đáng lưu ý là trước đây, thần học thường chỉ chú trọng đến mầu nhiệm Thập giá để làm nêu bật tính cách hy lễ của bí tích; ngày nay người ta lưu ý đến một khía cạnh khác không kém quan trọng là mầu nhiệm Phục sinh. Thực vậy, hiện thời Chúa Giêsu hiện diện ở giữa chúng ta trong tư thế của Đấng Phục sinh.


3/ Mầu nhiệm Thánh Linh. Thánh Linh được cử đến Hội thánh để nhắc nhớ những lời  nói của Đức Kitô.  Như vừa nói, đức Kitô hiện diện ngày hôm nay như là Đấng đã phục sinh do quyền năng của Thánh Linh tác tạo. Chính Thánh Linh Đấng tác tạo vạn vật từ hư vô cũng là Đấng biến đổi bánh và rượu trở thành Mình và Máu của Chúa Kitô, khởi điểm của cuộc tái tạo toàn thể vũ trụ vào thời cánh chung. Trong hiện tại, Thánh Linh ban cho chúng ta sức sống mới, sức sống của tình yêu và ân sủng, để cho chúng ta có khả năng nên thánh, nghĩa là kết hợp với Chúa.


4/ Mầu nhiệm Hội thánh. Hội thánh không những đã nhận được mệnh lệnh của Chúa Kitô phải cử hành bí tích để tôn vinh Thiên Chúa và ban ân sủng cho nhân loại, nhưng chính Hội thánh được kiến thiết nhờ bí tích Thánh Thể. Hội thánh gồm bởi những con người khác biệt nhau về phái tính, tuổi tác, ngôn ngữ, tính tình, lại còn ưa thích chia rẽ do hậu quả của tội lỗi. Duy chỉ có sức mạnh của Thánh Thể mới có khả năng liên kết các phần tử nên một thân thể nhờ việc thông hiệp vào Thân Thể của Chúa Kitô. Sự hiệp nhất của Hội thánh không chỉ giới hạn vào các phần tử của cộng đoàn đang cử hành tại một địa phương, nhưng mở rộng đến toàn thể Hội thánh Chúa Kitô, bao gồm cả các phúc nhân trên trời và các linh hồn đang còn được thanh luyện.


5/ Thánh thể và các bí tích. Hết mọi bí tích đều liên kết với nhau, bởi vì bắt nguồn từ mầu nhiệm Tử nạn và Phục sinh của Chúa Kitô. Các bí tích ví như những máng chuyển ơn thánh từ một nguồn mạch duy nhất. Bí tích Thánh Thể được coi là trung tâm, bởi vì nó chứa đựng chính Chúa Giêsu là nguyên uỷ của các bí tích. Mặt khác, các bí tích khác đều dẫn về bí tích Thánh Thể: bí tích Rửa tội và Thêm sức hướng đến bí tích Thánh Thể để kiện toàn chặng đường khai tâm. Mỗi lần thông dự vào bí tích Thánh Thể, các tín hữu làm sống lại ơn thánh  đã được lãnh vào lúc nhập đạo. Hai bí tích chữa trị (Thống hối và Xức dầu) cũng có những mối liên hệ đặc biệt với bí tích Thánh Thể. Bí tích Truyền chức nhằm cung ứng những tác viên cử hành Thánh Lễ. Bí tích Hôn nhân tìm thấy nơi bí tích Thánh Thể khuôn mẫu của giao ước thánh được thiết lập giữa Chúa Kitô và Hội thánh, tiêu chuẩn của việc trao ban hỗ tương giữa vợ chồng.


6/ Sau cùng, bí tích Thánh Thể liên hệ với các chân lý cánh chung: nó loan báo thực tại mai hậu khi mà tất cả mọi người được mời gọi tham dự bữa tiệc Thiên quốc, nó là bảo chứng của sự phục sinh dành cho những ai ăn bánh bởi trời (Ga 6, 54). Nó cũng loan báo công trình tái tạo trời mới đất mới, đã được nhắc đến trên đây [4].

 

Lm Giuse Phan Tấn Thành, OP

Nguồn: dongthanhthe.com

----------------------------

[4] J. Castellano Cervera, El mistero de la Eucaristia, Edicep Valencia 2004. (Introducción)