Thiên Chúa cũng đau khổ (1)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 634 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

Trần gian đầy đau khổ


Sống trên đời, ai cũng đau khổ. Thế gian tràn ngập đau khổ. Con người vừa đau khổ thể xác, vừa đau khổ trong tâm hồn. Ai cũng có trăm ngàn lý do để đau khổ. Đức Phật đưa ra 8 lý do tổng quát làm con người khổ: “Sinh thì khổ, già thì khổ, bệnh thì khổ, chết thì khổ, không được sống với người mình yêu thích thì khổ, phải sống với người mình ghét thì khổ, muốn mà không được thì khổ, không muốn mà cứ phải chịu thì khổ”. Đức Phật mô tả đau khổ tràn ngập trần gian như sau: “Nước mắt chúng sinh trong 3000 thế giới đem tích chứa lại còn nhiều hơn nước trong bốn bể”. Nhân loại lúc nào cũng rên xiết, quằn quại trong đau khổ. Nhiều người đau khổ đến tận cùng đến nỗi phải tìm đến cái chết để thoát khổ, nhưng không phải lúc nào cũng thành công.


Trong cơn đau khổ cùng cực, con người cảm thấy cô đơn tuyệt vọng, không còn biết trông vào đâu. Niềm cậy trông cuối cùng là vào Thiên Chúa thì cũng hỏng nốt vì Ngài hoàn toàn im lặng như chẳng ngó ngàng gì đến con cái của Ngài đang bất mãn. Thật là đau khổ và tức tối khi nghĩ rằng Thiên Chúa Đấng tạo dựng nên con người đau khổ này lại hoàn toàn hạnh phúc, không hề nếm mùi đau khổ bao giờ, và dành toàn bộ đau khổ – thậm chí đau khổ cùng cực – cho đàn con khốn nạn mình tạo dựng nên.


Có thật là Thiên Chúa không hề đau khổ, không hề chia sẻ nỗi bất hạnh với con người không?


Thiên Chúa cũng đau khổ


Đức tin Kitô giáo không cho phép người Kitô hữu nghĩ Thiên Chúa là một người Cha vô tình như thế. Ngài không thể tàn nhẫn và ích kỷ như thế vì bản chất của Ngài là tình yêu (1 Ga 4, 8. 16). Thánh Kinh mặc khải cho con người biết Thiên Chúa cũng đau khổ, cũng biết khóc, cũng bị dằn vặt như con người, đương nhiên theo cách thức của Ngài, vì hiện hữu của Ngài không giống như của con người. Và nếu như thế, con người không phải chỉ đau khổ một mình, vì chính Thiên Chúa, Đấng tạo dựng họ và là Cha của họ, cũng cùng chia sẻ đau khổ với họ. Ngài cùng đau khổ với con người, và chính vì con người mà Ngài mới đau khổ. Ngài đau khổ vì muốn cứu độ họ, làm dịu bớt những nỗi đau thương của họ. Ngài đau khổ để biến những đau khổ của họ thành những giá trị tuyệt vời đem lại hạnh phúc vĩnh cửu cho họ.


Thiên Chúa cũng đau khổ, đó là chủ trương của nhiều thần học gia Á châu, điển hình nhất là thần học về sự đau khổ của Thiên Chúa theo Kazo Kitamori, một thần học gia tại chủng viện Nhật Bản cũng là giáo sư thần học tại chủng viện Tokyo. Năm 1946, ông có xuất bản cuốn sách đầu tiên của thần học Nhật Bản về Thập Giá, trong đó nói nhiều về sự đau khổ của Thiên Chúa. Theo ông, trọng tâm của Tin Mừng không phải chỉ là Đức Tin, mà là “tình yêu đã khiến Thiên Chúa phải đau khổ”. Đó cũng là một chủ đề thần học của Giêrêmia và Phaolô. Giêrêmia là vị ngôn sứ “nhìn thấy” trái tim của Thiên Chúa một cách rất sâu sắc: “Chúa phán: Trái tim Ta rạn nứt ra”  (Gr 31, 20). Ông là Phaolô của Cựu Ước, cũng như Phaolô là Giêrêmia của Tân Ước. Vị “Thiên Chúa trên Thập Giá” mà Phaolô rao giảng chính là vị “Thiên Chúa đau khổ của Giêrêmia”. Toàn bộ Thánh Kinh đều phảng phất nỗi khổ tâm của Thiên Chúa về con người, như một người chồng đau khổ vì người vợ phản bội (Hs 2, Lc 15, 11-32)

Chúng ta hãy xem Kinh Thánh nói gì về vấn đề này.


Đau khổ theo mặc khải của Kinh Thánh


Trong Kinh Thánh, nhiều chỗ cho biết Thiên Chúa cũng có những tâm tình, cảm xúc tương tự như con người: Ngài cũng yêu thương, cảm động, thương xót, chán ghét, giận dữ, ghen tương… Điều đó rất dể hiểu vì Thiên Chúa của chúng ta không phải là một Thượng Đế vô ngã, mà là một Thiên Chúa hữu ngã, có bản vị. Đã có ngã vị thì tất phải có những tương quan cá biệt với những ngã vị khác, trong đó tình cảm, tâm tình, cảm xúc đóng một vai trò quan trọng. Tình cảm quan trọng nhất của Thiên Chúa là tình yêu vì theo thánh Gioan, Thiên Chúa được định nghĩa là tình yêu (x. Ga 4, 8. 16). Toàn bộ Tin Mừng mà chúng ta tin và rao giảng chính là “Thiên Chúa yêu thương con người”  (Ga 3, 16).


Chính tình yêu đã biến Thiên Chúa vốn không thể đau khổ thành một Thiên Chúa đau khổ. Và chính đau khổ của Ngài là bằng chứng hùng hồn nhất chứng tỏ Ngài yêu thương con người. Nếu Ngài không hề đau khổ khi thấy con người hư hỏng và rơi vào đau khổ, thì làm sao có thể nói được rằng Ngài yêu thương con người? Vả lại, tình yêu chỉ có thể chứng tỏ bằng hy sinh, nghĩa là bằng sự chấp nhận đau khổ, mất mát, thiệt thòi. Nguyên nhân duy nhất cho mọi đau khổ của Ngài là tình yêu đối với con người: vì Ngài yêu thương con người vô bờ bến, nhưng bị con người từ chối đáp lại, đồng thời phản bội và xúc phạm tình yêu ấy, và vì Ngài thấy con người mà Ngài yêu thương đã bị mất giá trị, trở thành hư đốn nên lâm vào cảnh đau khổ.


Tình yêu đã khiến Thiên Chúa xúc động, động lòng thương xót trước sự băng hoại và lầm than của con người. Tình trạng đáng thương của con người đã khiến tâm hồn Ngài xót xa, thổn thức, khổ tâm. Tiên tri Giêrêmia đã diễn tả nỗi khổ tâm của Ngài đối với Êphraim, tượng trưng cho nhân loại: “Đối với ta, Êphraim là đứa con trai yêu quí, là đứa con mà Ta thương đến nỗi mỗi lần Ta đe phạt nó là Ta luôn luôn tưởng nghĩ đến nó, trái tim Ta bị rạn nứt vì nó, và lòng ta tràn ngập niềm yêu thương nó”  (Gr 31, 20). Trái tim của Thiên Chúa đã phải rạn nứt ra, và mắt Ngài đã phải đổ lệ khi nghĩ đến hình phạt mà con người phải chịu vì sự băng hoại của họ.


Nỗi đau khổ của Thiên Chúa phần nào tương tự như nỗi đau khổ của một người cha hay mẹ có những đứa con hư đốn đang chịu hậu quả đau thương vì sự hư hỏng của chúng. Cha mẹ nào có những đứa con hư hỏng tội lỗi sẽ cảm thông dễ dàng với những nỗi đau đớn của Thiên Chúa do loài người hư hỏng gây nên. Thật là đau khổ khi thấy những đứa con mình sinh ra, những đứa con mà mình đã hết lòng yêu thương, đem hết tâm lực giáo dục dạy dỗ, kỳ vọng chúng trở thành tốt, giỏi, lại trở nên hư đốn, tội lỗi, bất hiếu, phản bội, làm nhiều tội ác. Người cha hay mẹ không hề giận dữ khi thấy đứa con của người hàng xóm làm điều sai trái, vì giữa họ và đứa trẻ kia không có tình thương hoặc họ không có trách nhiệm giáo dục nó. Nhưng họ sẽ giận dữ lên nếu đứa trẻ đó chính là con cái mình. Nếu họ không giận dữ trong trường hợp đó, thì điều đó chứng tỏ họ không yêu thương con mình và không ý thức về trách nhiệm giáo dục của mình.


Khi thấy những hành động sai trái của con cái mình, những cha mẹ đáng thương ấy phải nổi giận lên. Cơn giận ấy có thể lên đến cực độ đến nỗi họ có thể giết chết con cho hả giận, hay từ bỏ chúng, hoặc chửi mắng đánh đập chúng nên thân. Lúc giận dữ thì tình thương con dường như biến đi đâu mất, không còn nữa. Đứa con dường như bị ghét bỏ. Nhưng khi cơn giận đã nguôi, nhất là khi thấy con đang đau khổ vì bị trừng phạt, tình thương con lại trở về dằn vặt tâm hồn cha mẹ. Lúc đó, tâm lý “giận thì giận, mà thương thì thương” thật rõ ràng, thực tế. Tình thương “như Thái Sơn”, “như nước nguồn” không vì những hư đốn của coi cái mà tiêu tan đi được. Không những không tan đi mà có thể còn tăng lên bội phần, nhất là nơi những cha mẹ giầu tình cảm, nặng yêu thương.


Cứ nghĩ đến con mình là do mình sinh ra, là máu mủ của mình, do mình mà có, là hình ảnh của mình, hình ảnh đó còn in trên nét mặt, trên tính tình của chúng, mà lòng cha mẹ lại dạt dào tình thương. Mình sinh ra chúng là vì mình muốn, chứ chúng nào có đòi mình sinh ra đâu, vì thế, mình có bổn phận yêu thương chúng và làm cho chúng được hạnh phúc, lẽ nào chúng hư đốn mà mình bỏ rơi chúng được. Con cái chính là “bản thân nối dài” của cha mẹ, nên tự nhiên cha mẹ thương con như chính bản thân mình. Tình thương đó khiến cha mẹ lúc nào cũng gắn bó với con cái, lo cho hạnh phúc của chúng.


Nhưng sự thiện hảo hay lòng hướng thiện của cha mẹ không thể nào chấp nhận những hư đốn của con cái hay tiếp tục để chúng hư đốn mãi được. Phải sửa phạt chúng, thậm chí với bất cứ giá nào. Nhưng sửa phạt chúng, làm cho chúng đau khổ là một việc làm bất đắc dĩ. Phải thực hiện điều đó làm cho lòng cha mẹ xót xa. Trước khi đi đến quyết định sửa phạt, trong nội tâm cha mẹ xảy ra một cuộc giằng co, một cuộc tranh đấu giữa tình thương và trách nhiệm giáo dục. Tình thương không chấp nhận làm con cái đau khổ, nhưng trách nhiệm giáo dục bắt buộc phải làm điều đó. Đó là sự giằng co giữa tình thương bằng con tim và tình thương bằng khối óc. Sự giằng co ấy làm cho cha mẹ phải đau khổ.


Tình thương của Thiên Chúa cũng đấu tranh với sự công bằng của Ngài và làm cho Ngài phải đau khổ. Sự đau khổ ấy đã được Đức Giêsu diễn tả qua dụ ngôn “đứa con phung phá”  (Lc 15, 11-32). Người cha có thể vì giận đứa con hư hỏng nên đã chia gia tài cho nó theo như nó yêu cầu để tống khứ nó ra khỏi nhà. Nhưng khi đứa con đã đi khỏi, cơn giận người cha đã nguôi ngoai, ông mới bắt đầu nhớ thương con. Sự vắng mặt của nó trong nhà làm cho tâm hồn ông đau khổ vì giữa ông với nó là một tình yêu sâu đậm: yêu thương không chấp nhận xa cách. Ông đau khổ vì không biết nó sống chết ra sao, sướng khổ thế nào, nhưng nhất là vì nó là thằng con bất hiếu và đang sống một cuộc đời tội lỗi. Cơn giận làm ông muốn quên nó đi, nhưng tình thương lại khiến ông nhớ đến nó hoài. Cuối cùng tình thương đã thắng khiến ông đi đến một hành động cụ thể là hằng ngày ra cửa mong ngóng con về, tội lỗi của nó đã trở thành mờ nhạt đi trước nỗi nhớ nhung. Phải thường xuyên trông ngóng nó quay về, ông mới có thể trông thấy nó khi nó còn ở đằng xa. Và tình thương được biểu lộ ngay bằng hành động hôn lấy hôn để, cho dẫu nó chưa ngỏ lời xin lỗi ông. Và một khi đứa con đã thực sự hối hận, bao nhiêu tội lỗi của nó ông đều tha thứ hết…


Người Cha nhân từ đó là hình ảnh mà Chúa Giêsu đưa ra để diễn tả về Thiên Chúa Cha. Ngài cũng đau khổ vì giận và vì thương, và vì có sự giằng co giữa giận và thương. Nếu không đau khổ, không giận dữ thì chứng tỏ Ngài rất lãnh đạm với con người, mà lãnh đạm tức là không có tình thương. Vậy, có thể kết luận là trong trường hợp con người sa ngã và lâm vào đau khổ, nếu Thiên Chúa không đau khổ thì Ngài không còn là Ngài nữa, không còn là tình thương nữa.


Trong Cựu ước, có rất nhiều chỗ xác nhận Thiên Chúa thịnh nộ và ghen tương, điều đó chắc chắn phải bao hàm việc Ngài phải khổ đau. Có ai giận dữ hoặc ghen tương mà lại không đau khổ? Sự giận dữ và ghen tương của Thiên Chúa không phát xuất từ lòng ích kỷ mà phát xuất từ tình yêu. Sự ghen tương thường phát xuất từ tình yêu. Hễ đã yêu thực sự thì đương nhiên sẽ phải buồn bực và đau khổ khi thấy người mình yêu phản bội hay dành tình thương cho người khác. Không yêu thì không ghen, và không ghen chứng tỏ không yêu. Điều đó càng đúng cho tình yêu của Thiên Chúa, vì Ngài yêu thương con người vô cùng, và Ngài đã dựng nên con người để con người yêu Ngài, đáp lại tình yêu của Ngài. Nhất là vì chỉ có Ngài là đáng yêu nhất, và vì con người chỉ có thể hạnh phúc khi yêu Ngài. Ngài không ghen tương vì ta yêu người khác, trái lại còn mong ta yêu mọi người và hy sinh hết mình cho họ. Ngài chỉ ghen tương vì ta đã yêu một ai đó, coi trọng một vật nào đó hơn cả chính Ngài, Đấng xứng đáng đáng được yêu và được quý trọng hơn tất cả.


Sự thịnh nộ của Thiên Chúa đã được tiên tri Êdêkien diễn tả: “Ta giận chúng hết mức rồi! trong cơn tức giận, ta quyết trừng phạt chúng. Khi đó chúng mới biết ta là Chúa. Ta đã nói trong lúc ghen tức và đi tới tận cùng cơn giận của ta đối với chúng” (Ed 5, 13). Tiên tri Giêrêmia cũng nói: “Ngài giận làm trái đất rung động lên. Các dân tộc không sao chịu nỗi cơn thịnh nộ của Ngài”  (Gr 10, 10). Thánh Vịnh nói: “Thiên Chúa là quan án công minh và chậm giận, nhưng lúc nào cũng dễ giận với những phường gian ác”  (Tv 7, 12). Thánh Phaolô cũng nói: “Thiên Chúa tỏ ra giận dữ chống lại mọi thứ vô luân và bất chính”  (Rm 1, 18).


Chúa thịnh nộ vì tình yêu của Ngài bị chối bỏ, bị hất hủi, bị xúc phạm. Thịnh nộ là một hình thức rõ rệt biểu lộ sự đau khổ. Ghen tương cũng là phản ứng của một tâm hồn bị đau khổ, và là hình thức đau khổ cao độ: đau khổ vì bị người tình phản bội, dành tình yêu cho một đối tượng khác.


Ngoài ra, Kinh Thánh còn nói đến tâm tình chán ghét, ghê tởm của Thiên Chúa như: “Ta đã chán ngấy những hy lễ bằng chiên cừu, bằng bò của các ngươi rồi. Đừng dâng lên ta những của lễ vô ích nữa. Chúng bốc khói lên làm ta kinh tởm. Ta chán ghét thượng hạng những buổi lễ lạc, hành hương của các ngươi. Ta chịu hết nổi rồi”  (Is 1, 11. 13-14). Những tâm tình đó nói lên sự chịu đựng, nỗi khổ tâm của Thiên Chúa trước sự đạo đức giả của dân Ngài.

Kinh Thánh thực ra không có câu nào nói trắng ra là Thiên Chúa đau khổ, nhưng đã gián tiếp nói lên điều đó rất rõ ràng. Vì thế, sự đau khổ của Thiên Chúa có thể được coi là một chân lý mặc khải.


(còn tiếp)

 

Huyền Vi

Nguồn: maranatha-vietnam.net