Thiên Chúa cũng đau khổ (2)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 643 | Cật nhập lần cuối: 2/3/2016 8:53:28 AM | RSS

Tiếp theo Thiên Chúa cũng đau khổ (1)

 

Tại sao Thiên Chúa đau khổ?


Vì yêu thương, Thiên Chúa đã tạo dựng con người theo hình ảnh của Ngài, đã ấp ủ con người bằng tình thương, nhận con người làm con cái với quyền thừa kế gia sản là hạnh phúc vĩnh cửu và quyền thống trị vạn vật. Ngài chỉ mong con người đáp lại tình yêu thương của Ngài bằng chính lòng yêu thương của họ. Ngài muốn tình yêu đáp lại đó phải là một tình yêu tự do, chứ không phải là thứ tình yêu mang tính tất yếu hay ép buộc. Cũng như khi một chàng trai yêu một cô gái, luôn luôn anh muốn cô đáp lại tình yêu của mình một cách tự nhiên, tự nguyện bằng một tình yêu tự do, chứ không bao giờ muốn hay hài lòng với một tình yêu bị cưỡng chế bằng bùa ngải, áp lực, hay bằng sự lừa dối. Vì thế, Thiên Chúa đã ban cho con người tự do, để có thể đáp trả hay từ chối tình yêu của Ngài, để có thể chống lại Ngài hay theo phe thù địch với Ngài. Hậu quả của sự việc ấy là con người đã trở thành hư hỏng, mất quyền làm con Thiên Chúa, mất sự sống vĩnh cửu, phải đau khổ, phải chết, tâm trí con người trở nên u tối, lòng con người hướng về điều ác… con người trở thành một sản phẩm bị hư, “không xài được”, chỉ còn nước bị phế thải. Sự kiện này làm Thiên Chúa hờn giận và đau khổ, đồng thời phát sinh nhiều vấn đề được giải quyết.


Bản tính của Ngài là công bình, như Kinh Thánh vẫn diễn tả: “công bình và chính trực là nền tảng cho ngai tòa của Ngài” (Tv 88, 15). “Chúa ưa thích công bình và khinh ghét gian ác” (Dt 1, 9). “Đường lối của Ngài là công bình và chân thật” (Kh 15, 3). Sự công bình trong bản tính Ngài đòi Ngài phải trừng phạt con người, bắt con người phải đền tội một cách xứng đáng, đồng thời loại con người ra khỏi tình thương và sự bao bọc của Ngài. Nhưng sự việc nào có đơn giản như vậy được? Vì bản tính của Ngài đâu phải chỉ là công bình mà còn là tình thương nữa. Trừng phạt con người thì thỏa mãn sự công bình nhưng lại đi ngược với tình thương của Ngài. Con người tuy đã sa đọa, nhưng điều đó không làm cho tình thương của Ngài đối với họ giảm sút đi được. Thánh Kinh diễn tả tình yêu của Ngài rất bền vững: “Đàn bà có thể quên con thơ, hay quên được con trai mình sinh ra chăng? Nhưng cho dù họ có thể quên con họ đi nữa, Ta cũng không hề quên ngươi!” (Is 49, 15). Nơi con người, tình thương cha mẹ không dễ gì mất đi hay giảm sút vì đứa con hư hỏng hay tàn tật, trái lại, có thể chính vì thế mà tình yêu lại tăng lên. Nơi con người còn như thế, huống gì nơi Thiên Chúa, nguồn mạch của tình thương? Chính khi con người sa đọa và đau khổ, con người mới cần tới tình thương của Ngài hơn bao giờ hết, lẽ nào Ngài bỏ con người được? Tình trạng con người lúc này rất đáng thương, cần được Ngài ra tay cứu vớt. Điều đó đâu vượt khỏi khả năng hay giới hạn của Ngài!


Thế là trong nội tâm Thiên Chúa phát sinh hai khuynh hướng mâu thuẫn nhau: tình thương thì đòi hỏi tha thứ cứu vớt; công bằng và thịnh nộ thì đòi hỏi trừng phạt, phế thải. Hai lực mâu thuẫn đó ngang ngửa nhau, không bên nào hơn bên nào, khiến cho nội tâm Thiên Chúa bị giằng co, dằn vặt và đau khổ. Lúc này Thiên Chúa duy nhất như bị phân làm hai: “Thiên Chúa Tình Thương” chống lại “Thiên Chúa công bằng”, vì Thiên Chúa công bằng và thịnh nộ muốn hủy bỏ con người hư hoại đã làm tổn thương Thiên Chúa một cách sâu xa. Ngài “ân hận vì đã dựng nên loài người, Ngài buồn rầu trong lòng và quyết định: Ta sẽ hủy diệt loài người do Ta tạo thành…, Ta phàn nàn vì đã dựng nên chúng” (St 6,6-7; x. Gr 18, 10). Nhưng Thiên Chúa tình thương lại muốn ôm vào lòng sự hư hoại đó, sự hư hoại đáng kinh tởm mà Thiên Chúa công bằng không sao chấp nhận được. Và Thiên Chúa tình thương cũng không sao chịu đựng được khi để yên cho vị Thiên Chúa công bằng ra tay sát phạt con người. Cuộc nội chiến đó xảy ra rất cam go và ác liệt trong cung lòng Thiên Chúa duy nhất với tất cả sức mạnh vô biên của bản tính Thiên Chúa. Vì thế sự đau khổ của Thiên Chúa cũng là vô biên.


Sự đau khổ của Thiên Chúa được thể hiện trong lịch sử con người qua Đức Giêsu Kitô


Cách giải quyết của Thiên Chúa


Hai thế lực vô biên mâu thuẫn và nội tại trong Thiên Chúa đòi hỏi một giải quyết ổn thỏa: làm sao dung hòa được hai khuynh hướng mâu thuẫn đó. Vấn đề không đơn sơ và dễ dàng. Tình thương thúc đẩy Thiên Chúa cứu vớt con người, giúp con người đền bù lại tội lỗi của họ để thỏa mãn khuynh hướng công bằng nơi Ngài. Nhưng làm sao đền bù được cho hợp lý và cân xứng vì Thiên Chúa mà con người xúc phạm tới là một Thiên Chúa cao cả siêu việt, tuyệt đối vô song. Muốn đền bù tội xúc phạm đó cách cân xứng, sự công bằng đòi hỏi trong con người phải có một vị ngang hàng với Thiên Chúa mới có thể thực hiện được.


Con người đã làm Thiên Chúa phải đau khổ và tổn thương sâu xa, thì về phía con người, cần phải có một vị tương xứng với Thiên Chúa chịu đau khổ cùng tột để bù lại. Nhưng con người quá nhỏ bé về giá trị và khả năng, làm sao có đủ tư cách để đền bồi xứng đáng cái tội tày trời là xúc phạm đến vị Thiên Chúa vô hạn, tuyệt đối, cao cả ấy? Theo sự công bằng và lẽ phải, sự đền bù phải là “môn đăng hộ đối”, nhưng làm sao nâng cấp con người lên ngang hàng với Thiên Chúa được?


Lấy một thí dụ trong xã hội loài người để minh hoạ: một ông có chức vụ rất lớn trong xã hội bị một đứa trẻ xúc phạm nặng nề, nếu đứa trẻ chỉ hối hận và ngỏ lời xin lỗi thì không thể làm ông hả hê cơn giận. Nhưng nếu cha đứa trẻ cũng là một ông lớn ngang hàng với ông đó khiêm nhường tới xin lỗi - một hình thức bị xúc phạm nhưng tự nguyện - thì ông kia mới hả hê cơn giận được, và tội của đứa trẻ mới được coi như xóa hết. Sự đòi hỏi của khuynh hướng công bằng và thịnh nộ nơi Thiên Chúa có phần nào tương tự như vậy. Đối với con người, đòi hỏi đó quả là vô phương thực hiện. Con người làm sao có được đại diện tương xứng với Thiên Chúa để chị đau khổ một cách cân xứng với sự xúc phạm tày trời ấy? Thật là tuyệt đối vô phương nếu Thiên Chúa không phải là tình yêu, vì tình yêu vô biên của Thiên Chúa đã thúc đẩy Ngài đóng chính vai trò ấy, bằng cách cho Ngôi Hai Thiên Chúa mặc lấy xác thịt để trở thành một người con của nhân loại. Người ấy chính là Đức Giêsu Nazarét.


Thế là Thiên Chúa vô biên bất khả hư hoại đã mặc lấy kiếp sống hữu hạn, bị chi phối bởi những định luật vật chất “thành, trụ, hoại, không”, làm mồi cho đau khổ. Ngài đã “chia sẻ thân phận con người như chúng ta, chịu thử thách về mọi phương diện như chúng ta, chỉ trừ tội lỗi” (Dt 4,15). Nơi Đức Giêsu, Thiên Chúa đã trở thành con người. Vì thế, Đức Giêsu vừa là Thiên Chúa, hoàn toàn ngang hàng với Thiên Chúa (Pl 2,6), vừa là con người, hoàn toàn đứng trong hàng ngũ con người, có đủ tư cách đại diện cho con người. Vì thế, Đức Giêsu có đầy đủ tư cách để đền bù tội lỗi cho con người một cách tương xứng trước mặt Thiên Chúa, đúng như sự công bình của Thiên Chúa đòi hỏi.


Và bây giờ, Đức Giêsu, một người hoàn toàn vô tội, vì đại diện cho cả loài người có tội, cũng bị Thiên Chúa coi như một tội nhân khủng khiếp. Ngài đã trở thành đối tượng cho cơn thịnh nộ đầy ắp của Thiên Chúa giáng xuống. Ngài như bị Thiên Chúa trừng phạt một cách thảm khốc, đã đau khổ tột cùng và đã chết đẫm máu trên Thập Giá, tại Golotha. Thế là vấn đề nan giải đã giải quyết xong. Thiên Chúa công bằng đã được Thiên Chúa tình thương làm nguôi cơn giận, vì chính Thiên Chúa tình thương đã đền tội lỗi thay cho con người.


Như vậy là cuộc nội chiến quyết liệt giữa tình thương và công bằng trong nội tâm Thiên Chúa đã được thể hiện ra bên ngoài, trong không gian, thời gian, trong lịch sử nhân loại, tại đồi Golgôtha, nước Do Thái, cách đây gần 2000 năm. Cuộc khổ nạn và cái chết của Đức Giêsu đã làm thỏa mãn hai khuynh hướng mâu thuẫn của Thiên Chúa. Cuộc tử nạn đẫm máu đó vừa nói lên sự công bình bất khả nhượng của Thiên Chúa đối với tội lỗi, bất công, xúc phạm, vừa biểu lộ một cách hùng hồn và sống động tình thương vô biên của Thiên Chúa trước sự phản bội và hư mất của con người.


Vì Đức Kitô là “hình ảnh của Thiên Chúa vô hình” (Cl 1, 15). Nên sự đau khổ của Thiên Chúa chắc chắn phải được phản ảnh nơi con người Đức Giêsu Kitô. Vả lại, Đức Giêsu cũng nói “Ai thấy Ta là thấy Cha Ta” (Ga 14, 9), nên cứ nhìn vào sự đau khổ của Đức Giêsu là có thể hiểu được sự đau khổ của Thiên Chúa.


(còn tiếp)



Huyền Vi

Nguồn: maranatha-vietnam.net


= = = = = = = = = =

Bài liên quan:


Thiên Chúa cũng đau khổ (1)