Nếu anh em không hoán cải mà nên giống trẻ thơ này (3)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 295 | Cật nhập lần cuối: 12/1/2021 3:31:09 PM | RSS

Đứa trẻ vừa là người vừa là Thiên Chúa

Nếu anh em không hoán cải mà nên giống trẻ thơ này (3)Tất cả những gì chúng ta vừa nói về đứa trẻ của loài người thì thuộc phạm vị của loài người, chưa hẳn là đối tượng của Thiên Chúa tự mạc khải nơi Đức Giêsu Kitô. Dù vậy, sự thể là phần lớn những gì thuộc thâm tâm con người lại bị mai một quên lãng vì con người đã xa rời Thiên Chúa đến độ chỉ còn cách là Thiên Chúa nhập thể mới có cơ may nhắc nó trở lại với ký ức và sự hiểu biết của con người. Điều dẫn đến sự hiểu biết đó, chính là lời của Đức Giêsu tuyên bố rằng không tài nào dự phần vào Nước Thiên Chúa nếu không trở về với tinh thần con trẻ thật sự, rất gần với Nước Thiên Chúa. Khi tuyên bố như vậy, Ngài yêu cầu những ai đang nghe Ngài, suy nghĩ về nguồn gốc thật của mình trong lúc mà họ muốn ngoảnh mặt làm ngơ "Nếu anh em không hoán cải mà nên giống trẻ thơ" để nhận thức được, bên trong, về nguồn gốc đó. Chính để tuân theo lời Đức Giêsu mà việc hoán cải được tiến hành, thế nên muốn nó đâm bông kết quả thì phải dựa vào ánh sáng ân sủng chiếu soi. Trong đó sẽ được phác họa những nét điệu nơi diện mạo mà chúng ta đã cố gắng mô tả trong chương trước.

Có lẽ chúng ta sẽ ngạc nhiên khi thấy rằng Đức Giêsu không hề nói đến những kinh nghiệm trẻ thơ của mình: thế mà - vì Ngài không phải là một đứa trẻ tầm thường mà là Người Con vĩnh cửu của Chúa Cha, xuống thế làm người - tuổi thơ của Ngài chắc chắn phải không tiền khoáng hậu, và được bao bọc trong mầu nhiệm sâu thẳm; trong các bản tường thuật của Tin mừng về thời thơ ấu, chúng ta không biết gì hơn về trẻ Giêsu ngoài giai đoạn Ngài trẩy hội Đền Thờ ở tuổi mười hai - một ngoại lệ duy nhất. Chắc chắn giai thoại này sẽ làm lóe lên một tia sáng rực rỡ về quá vãng, trên nền trời tối đen bao trùm những năm đầu tại thế của Ngài.

Trước khi nói cho cạn lời hết ý, chúng ta cần nhắc đến điều này: Đức Giêsu hoàn toàn am hiểu về hình thức hiện hữu cùng phẩm giá đặc biệt của tuổi thơ, sự hiểu biết đó là từ kinh nghiệm sống của bản thân, mà Ngài nội hiện sâu sắc và xác thực hơn cả bất cứ một triết gia hoặc một người sáng lập tôn giáo nào hoặc bất cứ nhà tâm lý học nào toan nội hiện giai đoạn tuổi thơ cho chính mình.

Trong lời kêu gọi hoán cải mà nên giống trẻ thơ, Ngài nhấn mạnh đến những điểm sau đây trong chiều kích tôn giáo của chúng:

- đồng nhất tính trong sự tách biệt tự lập, tính hợp nhất và tính khác biệt giữa người tặng và quà tặng, tâm tình tiếp nhận khi thiếu thốn, nhưng trong tình yêu và lòng biết ơn đậm đà, vì bến bình yên tìm lại được, vì sự an toàn và sự tuân phục: tuy nhiên, khi làm vậy Ngài không hề viện đến một thực tại nào xa lạ với cuộc sống của trẻ; trái lại Ngài chỉ soi sáng thêm cho một chiều kích liên quan đến tất cả các khía cạnh khác và được dùng làm nền tảng sau cùng cho chúng.

Nhưng để làm và làm được như vậy không còn nghi ngờ gì nữa, lý do là ở tính đặc biệt có một không hai của những kinh nghiệm trẻ thơ của Ngài. Những gì liên quan đến khía cạnh loài người, Ngài không cần chứng minh; Ngài để cho những tín hữu phận vụ ngắm tìm và minh họa quảng diễn bằng vô số bức họa về người mẹ và đứa con: Hình ảnh mẹ cho con bú - trẻ yên ngủ trong lòng mẹ, trẻ đang nô đùa chụp bắt một món đồ mẹ nó giơ lên: một cánh hoa, một quả táo, trẻ đang ôm vuốt ve mẹ nó, trẻ đứng trên lòng mẹ như trên chiếc ngai, trẻ Giêsu đang với bắt các bảo vật, do các nhà chiêm tinh dâng, hoặc đang với tới Gioan, người anh họ nhỏ bé của Ngài. Tất cả những đề tài trên đây được họa lại dưới những nét đầy tôn kính hoặc phàm tục hơn, cả đến các tranh vẽ trên gỗ (icône) thường mang tính nghiêm khắc không hề bỏ qua - cũng vẫn sự nhắc nhở đó về thời trẻ thơ của "Đấng đã chịu thử thách về mọi phương diện như ta, ngoại trừ tội lỗi) (Dt 4, 15).

Vậy mà, kinh nghiệm trẻ thơ của Đức Giêsu nhất thiết đã là độc nhất vô nhị. Ngài chẳng phải là Người Con từ muôn thuở của Cha đó sao, Đấng đã làm người, sẵn sàng vì yêu thương chu toàn bất cứ hoạch định nào của Ba Ngôi Thiên Chúa để cứu chuộc loài người được cụ thể hóa nhờ Thánh Linh nơi một đứa trẻ của loài người? Khó lòng mà nghĩ rằng chỉ vào một lúc nào đó, trong đời người, đứa trẻ ấy mới ý thức được mình là Con Thiên Chúa và đích thị là Chúa. Thế thì ý thức nguyên thủy nhất của Ngài, cũng phải biết dù là một cách mặc nhiên nhất, mầu nhiệm hiện hữu của mình bên trong cung lòng Cha vô biên và cá biệt. Dựa trên "đồng nhất tính-mẫu" trong lòng mẹ, và khi bước ra khỏi cung lòng đó, trẻ Giêsu như mọi trẻ khác, đã có kinh nghiệm qua sự chăm sóc đầy yêu thương của Đức Maria về cái "tuy hai mà một": kinh nghiệm đồng nhất với mẹ trong tình yêu, và kinh nghiệm tách rời với mẹ, vì sự hiệp nhất yêu thương trước đó đòi trẻ phải là một bản thể khác với người mẹ đầy yêu thương; thêm vào đó, như chúng ta đã nói, trong kinh nghiệm đầu tiên này, chân trời của mọi thực tại được mở ra cho trẻ; nơi trẻ Giêsu kinh nghiệm yêu thương là nền tảng cho mọi thực tại loài người do đó đã để lộ kinh nghiệm hiện diện mầu nhiệm của Ngài trong lòng Thiên Chúa, Cha Ngài, đồng thời của sự tách biệt với Cha, trong tư thế là Người Con, đón nhận từ Cha tư cách làm Con của mình trong sự tách biệt đó vẫn keo sơn gắn bó với Ngài trong Thánh Linh mà họ sở hữu chung.

Nhưng chúng ta đã nói rằng kinh nghiệm đầu tiên của trẻ loài người đã bị chi phối bởi trực giác về một sự chia ly sâu hơn và đầy đe dọa hơn (có thể xảy ra là người mẹ vắng mặt vì người ta cần đến bà, và lúc đó trẻ cảm nghiệm được thế nào là bị bỏ một mình). Tuy vậy, nơi trẻ Giêsu, sứ mệnh đang được thể hiện là một tổng thể bất khả phân ly mà trong điểm xuất phát đã chứa đựng cứu cánh rồi: đó là bị Thiên Chúa Cha bỏ rơi. Thái độ của trẻ tuyệt đối không đi trước một sự am tường rõ rệt về Thập Giá sắp tới, nhưng sự vâng phục đầy tín nhiệm nơi Cha bao hàm sự sẵn sàng đi thật xa trong thánh ý đầy yêu thương mà Cha sẽ an bài. Lòng tín nhiệm nơi Cha từ đâu, mà không một sự ngờ vực nào đến khuấy động, phát xuất từ Thánh Linh, sở hữu chung giữa Cha và Con. Nơi Chúa Con, Thánh Linh tín nhiệm sâu sắc không lay chuyển rằng mọi quyết định của Cha - dù là một cuộc chia tay được đẩy tới sự bỏ rơi - luôn là một quyết định của tình yêu mà Chúa Con, từ nay là người - sẽ phải đáp lại bằng một sự tuân phục của con người.

Nhưng làm sao nơi đứa trẻ này, kinh nghiệm đầu tiên về sự hiện diện thanh thản trong lòng người mẹ, có thể nói là sự phân đôi cùng lúc bởi kinh nghiệm của sự hiện diện trong lòng của Thiên Chúa Cha hằng có? Chúng ta có thể trả lời như sau: ý thức mình là Con Thiên Chúa, nằm sâu trong tâm hồn của trẻ; khi được đánh thức bởi mẹ Ngài, không chỉ toàn bộ chân trời các thực tại được mở ra trước mặt Ngài và được phản ánh trong sự thánh thiện của mẹ thôi, mà trong chiều sâu của bản thể sung mãn đang mở ra cho Ngài, Ngài còn nhận ra bộ mặt của Cha Ngài nữa, đang quay lại với Ngài. Nhưng cách trả lời này còn thiếu sót để soi sáng toàn bộ mầu nhiệm. Phải hiểu rõ rằng người mẹ tinh tuyền này biết rõ rằng, nguồn gốc con của Người, vì là trực hệ, nằm nơi Thiên Chúa và lần đầu tiên khi ấp yêu Ngài trong đôi tay mình, Mẹ nghiệm ra Ngài là dấu chỉ sống động cuối cùng của sự hiện diện của trẻ trong lòng Cha. Sự phân biệt tương đối muộn màng nơi một đứa trẻ loài người giữa tình thương của cha mẹ là tình yêu của Thiên Chúa thì đã có trong lương tâm của trẻ Giêsu ngay từ giây phút đầu tiên, dù mặc nhiên như thế náo chăng nữa: không nên coi đó như một sự buông lỏng trong quan hệ giữa mẹ và con, nhưng mà là một sự hiệp nhất cách nào đó, được tức khắc cảm nhận như một ân huệ của Cha trong Thánh Thần (Đấng đã ngự xuống trên mẹ).

Và vì ngay từ giờ phút đầu tiên, người nữ tỳ của Thiên Chúa đã tỏ ra hoàn toàn sẵn sàng trong đức vâng lời, phải công nhận rằng nơi người, dù một cách mập mờ, đã có ước muốn trả về cho Thiên Chúa những gì Ngài đã ban, cũng như Abraham sẵn sàng trả lại đứa con của lời hứa mà Thiên Chúa đã ban cho ông. Một thời gian ngắn sẽ trôi qua trước khi tai người sẽ nghe lời: "Phần bà, bà sẽ phải nát ruột nát gan như bị lưỡi gươm đâm thấu" (Lc 2, 35). Lời tiên tri sẽ biến đổi tâm tình sẵn sàng hy sinh thành sự cố xảy ra trong tương lai. Cả con lẫn mẹ nhất thiết không thể hình dung rõ ràng trước nổi, Thập Giá cùng sự bỏ rơi của Thiên Chúa (trong đó có cả sự bỏ rơi người mẹ: "Đây là con của bà"). Tiếng "xin vâng" của cả hai trước sự chia lìa tuyệt đối, nhằm niêm phong tính hiệp nhất nguyên thủy, đã có ngay từ đầu.

Nơi hầu hết loài người, sẽ không chậm trễ có được kinh nghiệm về tội lỗi trên trần gian, ký ức về kinh nghiệm cụ thể ban đầu bị lu mờ khỏa lấp, chân trời mở ra trên các thực tại, lại bị đủ thứ hình tượng lấp đầy, được quy tụ dưới khái niệm đã trở nên trừu tượng là khái niệm "bản thể", "thực tại".

Tư duy và phê phán cách trừu tượng đối với loài người, nói lên quyền tự trị của mình cùng con đường lớn lên tiến về những thành tựu. Trái lại, đối với Đức Giêsu, nền tảng duy nhất của mọi sự, thì luôn giữ được thực thể của Cha, cách nào đó Ngài có thể độc quyền mà nói về "Cha tôi". Đó là điều chứng tỏ đúng đắn chặt chẽ rằng ngay cả lúc trưởng thành Ngài vẫn là con trẻ, và tại sao từ nét riêng rất đặc thù còn lưu lại này Ngài có được một sự hiểu biết và một lối đánh giá độc đáo như vậy về tình trạng trẻ thơ. Còn làm sao Ngài có thể đòi hỏi những người tội lỗi là chúng ta, tìm lại được cái đã mất? Chúng ta sẽ trở lại vấn đề này sau.

Trước hết phải nhất trí rằng trẻ Giêsu cũng đã phải trải qua, một quá trình tăng trưởng cho đến tuổi chín chắn như mọi trẻ khác. Rằng Ngài đã mất những ba mươi năm để sứ mệnh của Ngài đạt được mức viên thành mỹ mãn thì không có gì lạ lùng cả - chính vì lẽ sứ mệnh đó thật duy nhất - Chúng ta không thể nào dàn dựng lại các giai đoạn cho thấy Ngài sáp nhập ngày càng sâu vào trong sứ mệnh mang tính cách thần-nhân của mình - chúng được khắc ghi trong lời cầu nguyện của Ngài, trong sự phó thác nội tâm cho Cha này càn tỏ ra vô cùng tận đối với Ngài và trong khả năng đảm nhiệm nhân tính đang triển nở. Nếu đồng ý để cho tiến trình đó tất cả thời gian cần thiết, thì thật lầm lẫn khi kết luận, đứng trước câu trả lời của trẻ Giêsu ở tuổi 12: "Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?" (Lc 2, 49). rằng đó là ý thức đầy đủ về sứ mệnh được khai triển hoàn toàn. Rất có thể là điều chính yếu đã có từ đầu, nay được cậu thiếu niên Giêsu phát biểu, kể cả sự hiện diện trong cung lòng và ý định của Cha, nơi Người được sai đi này - điều chính yếu đó dù sao cũng vượt quá sự hiểu biết của cha mẹ Ngài - dù sao ý thức là Người được sai đi, thì hoàn toàn cân xứng với tuổi tác của Ngàu; sự trưởng thành viên mãn chỉ đến vào ngày Ngài chịu phép rửa: ở đó, Cha sẽ lên tiếng ban cho Ngài được phép công khai bắt đầu sứ mệnh và sẽ gửi đến cho Chúa Con Thánh Thần, cần thiết để thực hiện sứ mệnh, giờ đầy.

Có lẽ chúng ta khó lòng dung hòa được hai sự kiện:

- một là ý thức đầy đủ nơi trẻ Giêsu ngay từ đầu về sứ mệnh của mình nghĩa là đứa trẻ đã thật sự hình dung được toàn bộ sứ mệnh, dù dưới dạng trẻ thơ.

- hai là sự chín muồi dần về mặt con người với nhận thức ngày càng sâu về tính toàn diện đó của sứ mệnh, cho đến ngày nào trong lương tâm đã trưởng thành về mặt con người, Ngài đạt tới sự sung mãn cho phép Ngài đi đến cùng trong trách nhiệm. Chung quy chỉ có điểm sau cùng này là khó giải quyết: làm sao dung hòa được ý thức trách nhiệm cao về những quyết định và hoạt động của Ngài và tinh thần trẻ thơ thường trực đối diện với Cha mà Tin mừng Gioan đã nói đến: "Người Con không thể tự mình làm gì, mà chỉ làm điều thấy Chúa Cha làm" (Ga 5, 19)? "Đấng đã sai tôi vẫn ở với tôi, Người không để tôi cô độc, vì tôi hằng làm những điều đẹp lòng Người" (Ga 8, 29). "Ai tin vào tôi, thì không phải tin vào tôi nhưng là tin vào Đấng đã sai tôi"… vì… "không phải tôi tự mình nói ra" (Ga 12,44-48). Vả lại, "tôi có làm chứng cho chính mình đi nữa, thì lời chứng của tôi vẫn là chứng thật, bởi vì tôi biết tôi từ đâu tới và đi đâu" (Ga 8, 14).

Với tư cách là trẻ thơ, Người Con có một khoảng cách để đùa giỡn, là Sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa "Ngài có thể đùa giỡn trước mặt Người mọi thời, trên mặt đất" (Ga 8, 30). Nhưng thánh ý Cha lấp choán hết khoảng cách đó đến nỗi "Con luôn làm điều đẹp ý Cha" và "chu toàn sứ mệnh của mình" (Ga 14, 31).

HY. Hans Urs Von Balthasar
Nguyên tác: "Si vous ne devenez comme cet enfant" ("Nếu anh em không hoán cải mà nên giống trẻ thơ này"), 1989, Des Clée Brouwer

* Bài liên quan:

NẾU ANH EM KHÔNG HOÁN CẢI MÀ NÊN GIỐNG TRẺ THƠ NÀY (1)

NẾU ANH EM KHÔNG HOÁN CẢI MÀ NÊN GIỐNG TRẺ THƠ NÀY (2)