Đối Thoại Liên Tôn Giáo Từ Góc Nhìn Một Tín Hữu Cao Đài (3)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 2017 | Cật nhập lần cuối: 12/15/2016 2:20:15 PM | RSS

(Tiếp theo)

III. Vài suy nghĩ về đối thoại liên tôn giáo trong điều kiện xã hội hiện nay

Vừa qua chúng ta có dịp lướt nhanh về các sự kiện đối thoại liên tôn giáo trên thế giới và ở Việt Nam. Tuy không đầy đủ và không thể đi sâu vào chi tiết, cũng như chưa đáp ứng được mong muốn của Ban Tổ Chức (thể hiện trong thư mời) là “kết hợp với việc tham khảo và vận dụng kinh nghiệm quốc tế”, nhưng có lẽ cũng tạm cho phép chúng ta thấy rằng đối thoại liên tôn giáo chẳng phải là hoạt động quá xa lạ hay quá mới mẻ. Từ đó, chúng ta có thể quy chiếu về mục đích và yêu cầu của cuộc hội thảo này như Viện Nghiên Cứu Tôn Giáo đã nêu ra trong thư mời tham dự.

1. Trước hết, chúng ta có thể hoàn toàn đồng ý với Ban Tổ Chức rằng “đối thoại liên tôn giáo còn được xem như một giải pháp làm giảm đi xung đột tôn giáo, góp phần duy trì hòa bình, ổn định ở nhiều nơi trên thế giới.” Đây cũng là ước vọng chung của các cuộc đối thoại liên tôn giáo ở quy mô đa quốc gia trong hai thế kỷ 19 và 20 trên thế giới.

2. Thứ hai, Ban Tổ Chức hỏi: “Trong bối cảnh hiện nay, Nhà Nước giữ vai trò như thế nào trong đối thoại liên tôn giáo?”

a. Chúng ta ắt hẳn đều nhớ rằng các cơ quan chức năng có thói quen e ngại hai chữ “liên tôn”. Liên tôn dễ bị ngộ nhận là một mưu đồ cấu kết hai hay nhiều tôn giáo để làm “quốc sự” gây tác hại cho trật tự trị an. Do đó, về phía Nhà Nước, có lẽ cần nên giải tỏa thái độ hiềm nghi này. Có giải tỏa được thì mỗi khi ở một thành phố nào đó, một tôn giáo, một trường đại học hay trung tâm nghiên cứu tôn giáo, v.v… có thiện chí tổ chức đối thoại liên tôn giáo (hay tương tự như thế), họ sẽ được các cơ quan chức năng xem là một sinh hoạt bình thường, sẽ không cản trở hoặc hạn chế, v.v…

b. Đối thoại liên tôn giáo đòi hỏi người tham gia là nhà chuyên môn hoặc đã có bề dày trải nghiệm thực tế. Hoạt động này sẽ được trợ giúp tích cực nếu người tham gia có tri thức về khoa Tôn Giáo Đối Chiếu (Comparative Religion). Chúng ta đều biết từ giữa thế kỷ 20 cho tới nay các nước phương Tây vẫn giảng dạy về tôn giáo đối chiếu, thế thì các trường đại học ở nước ta cũng nên tham khảo kinh nghiệm của họ. Nhà Nước nên ủng hộ việc mở thêm ngành học này.

3. Thứ ba, Ban Tổ Chức hỏi: “Từ phía các tôn giáo, đối thoại liên tôn giáo sẽ bao gồm những nội dung gì và quá trình đối thoại ấy cần dựa trên những cơ sở thực tiễn thiết yếu nào?”

Chúng ta thấy rằng các tôn giáo có cái chung và cái riêng. Đối thoại liên tôn nên làm nổi bật cái chung giữa các tôn giáo để xây dựng, củng cố, và phát huy tình hòa ái, tương kính, hợp tác. Mặt khác, những cái riêng nào có thể gây hiểu lầm, làm chia rẽ lẫn nhau, tạo nên hiềm khích, v.v… thì nên khéo léo và thận trọng đối thoại để xử lý và hóa giải.

Thử lấy một thí dụ, thuật ngữ devas (Sanskrit, Pali) trong Phật Giáo nhằm chỉ những chúng sinh sống trong thiện đạo, rất sung sướng, và có thọ mệnh rất dài, tuy nhiên các devas vẫn còn ở trong vòng luân hồi (samsara).

Chữ Hán dịch deva thiên 天, nhưng rõ ràng thiên / deva không phải là Thiên theo nghĩa Trời / Thượng Đế của Nho Giáo, Lão Giáo, Cao Đài Giáo. Nói khác đi, thiên / deva cũng na ná như chữ god không viết hoa trong tiếng Anh, và có số nhiều là gods. Nó hoàn toàn khác nghĩa chữ God viết hoa, không bao giờ thêm số nhiều và cũng chẳng bao giờ có mạo từ (article) đứng trước.

Thế thì, nếu một vị bên Phật Giáo vì lý do nào đó, không tách bạch chỗ đồng âm khác nghĩa (homonym) của thiên / devaThiên / Trời / Thượng Đế để mà suy diễn rằng Trời còn bị luân hồi, Phật không còn luân hồi, vậy Trời kém hơn Phật, Phật cao hơn Trời (sic), thì sự suy diễn đó hoàn toàn không có lợi cho tinh thần đối thoại liên tôn để sống hòa ái, tương kính và hợp tác.

4. Thứ tư, Ban Tổ Chức hỏi: “Các tôn giáo cần chuẩn bị những gì khi tham gia đối thoại?”

Về mặt tri thức, chúng ta thấy rằng khi một tôn giáo tham gia đối thoại, họ nên biết được những nét đẹp, những chân giá trị của tôn giáo bạn. Kế đến, mỗi tôn giáo nên biết khiêm tốn và lắng nghe. Khiêm tốn một cách thật sự chứ không phải hình thức xã giao.

Trong cuộc đối thoại liên tôn giáo, mỗi bên nên có thiện chí tìm thấy cái hay của mình và cái hay của bạn để kết dệt thành tấm gấm mỹ miều và thêu thêm những đường nét trang trí xinh tươi mà hiến tặng cuộc đời, hiến tặng con người. Mượn lời Thánh tông đồ Phaolô trong Thư 1 Gởi Tín Hữu Côrintô (13, 1), người tham gia đối thoại liên tôn không nên sơ xuất trở thành thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng khi bước vào cuộc đối thoại chỉ vì mong tranh hơn hay vì muốn thủ thắng.

Khi tham gia đối thoại liên tôn giáo, có lẽ cũng cần nhớ lời Giáo Hoàng Phanxicô khi gặp Tổng Thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tại Ankara ngày 28.11.2014: “Một cuộc đối thoại như thế nên là cuộc trò chuyện cho phép chúng ta suy niệm một cách có ý thức và trầm tĩnh về những khác biệt của chúng ta, rồi học hỏi từ những khác biệt đó.[1]

Thái độ trầm tĩnh rất cần thiết vì nó giúp người tôn giáo giải trừ cho mình não trạng tự tôn. Còn nhớ, ba năm trước, tôi được mời tham dự cuộc hội ngộ liên tôn giáo tại một thành phố lớn ở miền Nam. Phía tổ chức là một tôn giáo lớn, tạm gọi tôn giáo A. Tham dự có đông đảo đại biểu là chức sắc các tôn giáo khác. Trong chương trình, một chị tín hữu của tôn giáo A bước lên bục để chia sẻ những tâm tình của người con gái về làm dâu một gia đình theo tôn giáo B, cũng là một tôn giáo lớn. Bằng cách nói rất diễn cảm, chị kể lể rành rọt những thống khổ mà mẹ chồng trút lên chị. Nhưng cuối cùng chị đã chiến thắng, chẳng những mẹ chồng mà cả gia đình nhà chồng đều từ bỏ tôn giáo B để đi theo tôn giáo A của chị. Hôm ấy trong hội trường có nhiều chức sắc của tôn giáo B. Tôi nghĩ rằng đó là một tiết mục lẽ ra không nên có trong chương trình hội ngộ liên tôn giáo.

5. Thứ năm, Ban Tổ Chức hỏi: “Ở phạm vi nào, các giá trị tôn giáo có thể đồng hành với các giá trị thế tục để cùng phục vụ cuộc sống chung?”

Giáo Sư Archie John Bahm (1907-1996), dạy triết và tôn giáo đối chiếu tại Viện Đại Học New Mexico (Mỹ), là tác giả quyển The World’s Living Religions (New York: Nxb Dell, 1964). Trong sách này Giáo Sư Bahm có dẫn lại ý kiến của Giáo Sư P.T. Raju, nguyên Trưởng Khoa Triết Viện Đại Học Rajasthan (Ấn Độ), nói rằng “mặc dù có dị biệt, các tôn giáo đều có cái chung, đó là con người”.[2]

Khi nói tới con người, hay hạnh phúc và an sinh của con người, thì đó là điểm chung của các tôn giáo chân chính và của mọi thể chế của dân, do dân, và vì dân. Vậy, các giá trị tôn giáo hoàn toàn có thể đồng hành với các giá trị thế tục để phục vụ cuộc sống chung, phục vụ con người khi tôn giáo và thế tục cùng lấy nhân bản, an lạc, tiến bộ vừa làm nền tảng vững bền và vừa là định hướng xuyên suốt cho mọi chương trình, kế sách hoạt động. (Theo giáo lý Cao Đài, nhân bản, an lạc, tiến bộ là ba chân vạc để mọi xã hội được phát triển bền vững.)

6. Cuối cùng, Ban Tổ Chức hỏi: “Vậy yếu tố khoan dung, bác ái, thấu hiểu, tinh thần dấn thân và sự sẵn lòng hợp tác quan trọng như thế nào trong việc đảm bảo đối thoại liên tôn giáo diễn ra hiệu quả và hài hòa?”

Chúng ta thấy rằng những đức tính như khoan dung, bác ái, thấu hiểu, tinh thần dấn thân, sự sẵn lòng hợp tác mà Ban Tổ Chức nêu ra sẽ quyết định sự thành công mỹ mãn của mỗi cuộc đối thoại liên tôn giáo. Thiếu các đức tính đó, thay vì đối thoại người ta sẽ tìm cách đối kháng, đối địch.

Đối thoại liên tôn giáo là cuộc trò chuyện vô vàn tế nhị. Bởi lẽ, cho dù là đang trò chuyện giữa những đồng bào vốn cùng nói chung một quốc ngữ, một khi bắt đầu đối thoại liên tôn giáo thì lại thấy cơ hồ anh em như khác dòng ngôn ngữ. Mỗi một thuật ngữ, một khái niệm xa lạ sẽ dẫn dắt tới một cách hiểu không đúng. Do đó, thấu hiểu là rất cần thiết. Thế rồi, giữa các tôn giáo vốn sẵn có một số dị biệt là hệ quả của thời đại lịch sử và không gian văn hóa đã sản sinh ra từng tôn giáo, không thể vì các dị biệt đó mà người khác tôn giáo muốn “loại trừ” lẫn nhau. Bởi vậy, khoan dung, bác ái là hai đức tính giúp người khác tôn giáo biết nhẫn nại để dung chứa lẫn nhau thì mới có thể hợp tác với nhau.

IV. Thay lời kết

Trong lúc xã hội thế tục còn đang hăng say tranh chấp thì các tôn giáo lại càng phải chủ động và tích cực hòa hiệp, hợp tác để cùng góp phần giải trừ thực trạng tranh chấp ấy. Bằng ngược lại, các tôn giáo chưa hoàn thành sứ mạng của mình. Với chủ trương vạn giáo nhất lý, và mang tinh thần bao dung mọi tín ngưỡng, giáo lý Cao Đài xác định rằng “... tôn giáo hiện hữu còn tranh chấp, là chưa tạo được một thực thể Đạo thuần chánh để cứu thế.[3]

Đối thoại liên tôn giáo hiệu quả và đúng đắn sẽ có thể góp phần hóa giải tranh chấp giữa các tôn giáo. Đây là một hành trình dài mà mỗi người tôn giáo tham gia phải sẵn sàng bước ra khỏi “cái tôi” của mình để đến với tôn giáo bạn một cách cởi mở.

Xác định đối thoại liên tôn giáo là một hành trình dài để thấy rằng cuộc hội thảo khoa học lần này của Viện Nghiên Cứu Tôn Giáo không thể dừng lại sau khi bế mạc. Viện có thể “nuôi dưỡng” thành quả cuộc hội thảo này bằng cách thông qua tạp chí Nghiên Cứu Tôn Giáo sẵn có của Viện thường xuyên ấn hành những số chuyên đề về đối thoại liên tôn giáo, mời gọi nhiệt tâm đóng góp của giới tôn giáo và không tôn giáo.

(Hết)

Huệ Khải

Trích "Đối Thoại Liên Tôn Giáo Từ Góc Nhìn Một Tín Hữu Cao Đài", tr. 26-32

-----------------------------

Bài liên quan:

Đối Thoại Liên Tôn Giáo Từ Góc Nhìn Một Tín Hữu Cao Đài (1)

Đối Thoại Liên Tôn Giáo Từ Góc Nhìn Một Tín Hữu Cao Đài (2)

Chú thích:

[1] “Such a dialogue will allow us to reflect sensibly and serenely on our differences, and to learn from them.

http://www.news.va/en/news/pope-francis-interreligious-dialogue-can-help-end. (Truy cập ngày 06-7-2015)

[2] “... despite all their differences, religions have something in common, namely, man.” Archie J. Bahm, The World’s Living Religions. New York: Dell pub., 1964, p. 359.

[3] Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo, Thánh Giáo Sưu Tập Năm Mậu Thân - Kỷ Dậu (1968-1969). Hà Nội: Nxb Tôn Giáo 2009, tr. 110.